Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra chiều 2/12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Hội nghị lần thứ 10 đã bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội. Đây là hội nghị chứa đựng nhiều quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc Hội nghị |
Bí thư Nên cho rằng, hiện nay biến thể Delta vẫn đang hoành hành khắp nơi và thế giới tiếp tục phải đối mặt với biến thể mới mang tên Omicron rất đáng quan ngại, lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta. Tại Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kịch bản ứng phó.
Do vậy, Hội nghị lần thứ 10 đồng tình chủ đề của TP.HCM năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, với 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể.
“Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6 - 6,5%. Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao nhưng có cơ sở và niềm tin. Trước hết là sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, khát khao hồi phục và phát triển rất lớn”, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, TP.HCM tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.
“Ai cũng biết nếu dịch bệnh trở lại như thời kỳ trước thì chắc chắn chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra”.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu cần quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, giữ vững chất lượng dạy và học. Trước mắt cần thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện “bình thường mới” đối với lớp 9, lớp 12.
Theo ông Nên, lúc đầu Thành phố có tính đến các khối lớp nhỏ nhưng khi lấy ý kiến gia đình thì phụ huynh rất quan ngại, trong khi đó dịch Covid-19 hiện nay xuất hiện thêm biến chủng mới. Do đó, chưa tổ chức học trực tiếp với các khối lớp nhỏ, các khối lớp lớn quản lý được thì thực hiện thí điểm. “Nếu mình làm sớm mà không kiểm soát được thì tạo sự bất an với hàng ngàn gia đình”, ông Nên nói.
Bí thư TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường củng cố hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, chăm lo các đối tượng đặc biệt, nhất là các cháu mồ côi cha mẹ, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.
Theo Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, trong năm 2021, Thành phố chịu tác động nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ 4. Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách triệt để (quý 3), tốc độ tăng trưởng của Thành phố giảm sâu, giảm hơn 24% so với cùng kỳ.
Điều này làm các chỉ tiêu kinh tế của Thành phố trong năm giảm mạnh. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản ước giảm 10,04%; khu dịch vụ ước giảm 3,53% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm đến 15,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 5,5%; số lượng doanh nghiệp mới thành lập giảm gần 27,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, như kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch ngập khẩu ước tăng 24,9%; tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%.
Đồng thời, giải quyết việc làm cho 300.437 người (đạt 101,1% kế hoạch), thu hút nước ngoài đạt khoảng 5,8-6 tỷ USD (tăng gần 11%), lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD (tăng gần 9%). Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 362.040 tỷ đồng, đạt 99,22%. Hiện TP.HCM đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt 100% dự toán năm.
Theo Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, kinh nghiệm, năng lực ứng phó với dịch Covid-19 được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân giảm sút. Thực tế cho thấy nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế nếu không kiểm soát được dịch bệnh để mở cửa lại kinh tế.
Dù vậy, năm 2022 Thành phố có điều kiện, lợi thế để từng bước khôi phục kinh tế trong năm 2021 là tỷ lệ người dân đã tiêm vaccine cao. Độ phủ vaccine của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng được nâng lên đáng kể, tạo điều kiện cho việc giao thương, phân phối sản phẩm, hàng hóa giữa các vùng, miền được thông suốt. Đặc biệt, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM tăng từ 18% lên 21% cũng tạo tiền đề và nguồn lực để Thành phố phát triển.