Thời sự
TP.HCM gỡ khó dự án “lụt” tiến độ đầu tư công
Ngọc Tuấn - 21/03/2020 08:23
Việc được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù trong bồi thường giải phóng mặt bằng được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM khắc phục tình trạng “lụt” tiến độ giải ngân đầu tư công tại hàng loạt dự án cầu đường.
.

Điểm danh các dự án cầu “lụt” tiến độ

Trong danh sách 60 dự án hạ tầng giao thông sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM chậm triển khai bởi lý do không có mặt bằng, 2 cây cầu Nam Lý, Tăng Long (trên địa bàn quận 9) nổi lên là những dự án đình trệ tiến độ hàng đầu.

Hơn 3 năm trước, ngày 8/10/2016, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (vốn đầu tư 857 tỷ đồng) được khởi công để thay thế cầu cống đập Rạch Chiếc nhằm tăng khả năng kết nối xa lộ Hà Nội với cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, góp phần giảm kẹt xe tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vào giờ  cao điểm.

Dự kiến, sau 1 năm 6 tháng kể từ ngày khởi công, cầu Nam Lý sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, cầu Nam Lý đang trong tình trạng đình đốn thi công. Tại công trình, không có máy móc, thiết bị và nhân công hoạt động. Đầu cầu phía quận 2, chỉ có 1 trụ cầu và 1 đoạn đường dẫn được làm dở dang. Phía trong rào chắn, cỏ dại mọc tràn lan, dầm bê tông trơ cốt thép rỉ sét.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đơn vị đóng vai trò chủ đầu tư cho biết, hiện khối lượng công trình mà nhà thầu đã thực hiện đạt 162 tỷ đồng, tương đương 39%.

“Công trình cầu Nam Lý đã ngừng thi công hơn 2 năm do thiếu mặt bằng. Dù đã thực hiện kiểm kê từ năm 2012, song hiện mới duyệt đơn giá T1. Vướng mắc lớn là các hợp đồng mua bán đất trong khu vực Dự án có giá thấp, số lượng giao dịch ít, nên khó xây dựng đơn giá bồi thường đất T2. Nếu có mặt bằng, việc thi công chỉ mất khoảng 12 tháng là hoàn thành”, ông Phúc khẳng định.

Tương tự, Dự án Cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai bắc qua rạch Trau Trảu (tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, được kỳ vọng hoàn thành vào cuối năm 2019) cũng rơi vào cảnh “đói” mặt bằng. Đến nay, nhà thầu thi công mới thực hiện được 30% khối lượng. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng xác nhận, công trình đang tạm dừng thi công hơn 1 năm do hết mặt bằng

Ngoài ra, còn rất nhiều dự án xây cầu tại TP.HCM “lụt” tiến độ, khiến người dân mòn mỏi chờ đợi. Thi công đình đốn vì thiếu mặt bằng, các dự án này trở nên chênh vênh, khó hẹn ngày về đích. Trong danh sách này, có thể kể thêm một số dự án như: cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè), sau hơn 7 năm khởi công vẫn chưa thể hoàn thành; cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (quận 9) vẫn dang dở sau hơn 3 năm thi công...

Vẫn cần thêm thời gian 

Từ thực tế công tác quản lý, ông Lương Minh Phúc đánh giá, đền bù giải phóng mặt bằng là trở ngại lớn nhất khi thực hiện triển khai các dự án. Thông thường, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng được bố trí chiếm tới 2/3 tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, nút thắt lớn nhất là không thống nhất được mức giá đền bù giữa người dân có đất bị thu hồi và Nhà nước.

“Chúng tôi đang kiến nghị Hội đồng Thẩm định giá đất TP.HCM sớm thông qua đơn giá bồi thường làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường và chi trả cho các hộ dân, sớm tiếp nhận mặt bằng thi công dự án”, ông Phúc nói.

Theo Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, thời gian tới, công tác đền bù giải phóng mặt bằng sẽ thuận lợi, khi Chính phủ cho phép TP.HCM áp dụng một số cơ chế đặc thù trong công tác này, nhưng cũng cần thời gian để chính sách mới đi vào thực tiễn, chứ không thể  ngay lập tức tạo chuyển biến rõ nét. Do vậy, chưa thể gỡ ngay nút thắt về mặt bằng tại các dự án nêu trên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, UBND TP.HCM đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM hướng dẫn thực hiện trong tháng 3/2020. Thành phố cũng sẽ ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn Thành phố, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù trong bồi thường giải phóng mặt bằng

Ngày 9/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.

Cụ thể, Chính phủ cho phép TP.HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. Nghị quyết nêu rõ, việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất này không phải là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất. UBND TP.HCM quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.
Tin liên quan
Tin khác