Theo bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, việc đầu tiên cần làm là đưa F0 đến chỗ cách ly tạm thời ngay tại nơi phát hiện, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp), liên hệ để chuyển F0 đến bệnh viện điều trị và điều tra thông tin dịch tễ trong vòng 1 giờ.
Việc điều tra cần thực hiện theo nguyên tắc nơi nào phát hiện ca F0, nơi đó chịu trách nhiệm điều tra với 4 nội dung gồm nơi ở, nơi làm việc, nơi tiếp xúc khác (siêu thị, quán ăn, …) và danh sách những người đã tiếp xúc trực tiếp (F1 gần).
Sau khi hoàn thành điều tra, thông tin F0 phải được gửi ngay cho HCDC để thông báo cho các nơi liên quan tiến hành khoanh vùng, truy vết trong vòng 1 giờ.
Các Trung tâm Y tế sau khi tiếp nhận thông tin cần khẩn trương khoanh vùng tiếp xúc của F0 để tiến hành phong tỏa trong vòng 1 giờ.
Đồng thời, nhanh chóng chọn và tập huấn 2-5 người đang sống tại khu vực phong tỏa để thành lập Tổ quản lý, làm cầu nối với bên ngoài và hỗ trợ dân cư bên trong khu phong tỏa trong vòng 1 giờ, đảm bảo trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ chống lây nhiễm.
10 bước cần thực hiện ngay khi có ca F0 trong cộng đồng. |
Trong vòng 4-6 giờ tiếp theo, triển khai thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho tất cả người trong khu phong tỏa theo nguyên tắc từ khu vực có nguy cơ đến khu vực nguy cơ cao và cuối cùng là khu vực nguy cơ rất cao.
Đối với người có kết quả dương thì trong vòng 1-3 giờ đưa ngay đến khu cách ly tạm thời trong vòng để làm sạch cơ bản khu phong tỏa và thực hiện các bước tương tự như đối với F0 chỉ điểm.
Đối với F1 có kết quả âm thì lấy mẫu gộp và đưa đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện cách ly theo quy định. Những người có kết quả âm còn lại thì lấy mẫu gộp và cách ly tại nhà.
Để hạn chế lây nhiễm tại khu phong tỏa, Thành phố Thủ Đức cùng các quận, huyện cần đảm bảo cách ly nhà với nhà, người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà; bố trí 1 bàn trước cửa nhà để nhận thực phẩm, vật dụng thiết yếu và đặt rác thải trước cửa nhà để được thu gom theo thời gian quy định.
Tùy vào vị trí địa dư, yếu tố dịch tễ và nguy cơ lây truyền, các Trung tâm Y tế có thể triển khai tầm soát diện rộng bên ngoài khu phong tỏa bằng phương pháp RT-PCR.
Ngoài ra, để tránh bỏ xót các trường hợp tiếp xúc tại khu phong tỏa, Trung tâm Y tế cần tiếp tục điều tra F0 để bổ sung những thông tin còn thiếu; thực hiện xét nghiệm định kỳ tại khu phong tỏa để xác định lại mức độ nguy cơ tiếp xúc với F0 và thực hiện xử lý theo quy định.
Thông qua đó, việc xét duyệt để giải tỏa sớm từng phần tiến đến giải tỏa toàn bộ khu phong tỏa ngay khi có đủ thông tin.