Ngày 13/6, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (mở rộng), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm báo cáo kết quả xây dựng Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị (gọi tắt là Đề án metro)
Khi xây dựng Đề án, TP.HCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để vận hành thương mại vào cuối năm 2024 - Ảnh: Lê Toàn |
Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến metro với tổng chiều dài 183 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 871.216 tỷ đồng (tương đương 36,3 tỷ USD).
Trong cơ cấu nguồn vốn thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 9,75 tỷ USD; ngân sách Thành phố 8,6 tỷ USD; nguồn tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố là hơn 7 tỷ USD.
Ngoài ra, còn 2 nguồn thu từ đấu giá đất xung quanh các nhà ga (mô hình TOD) là 5 tỷ USD và nguồn từ trái phiếu địa phương 6,4 tỷ USD.
Đáng chú ý trong cơ cấu nguồn vốn huy động để xây dựng các tuyến metro thì không có nguồn vốn vay ODA.
Về cơ chế chính sách, TP.HCM đề xuất 6 nhóm chính sách với 28 cơ chế. Trong đó, có 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Bên cạnh việc huy động nguồn vốn trong nước, Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ thực hiện nhận, chuyển giao công nghệ đường sắt đô thị, đạt tỷ lệ chung về nội địa hóa từ 30 đến 40% (phương tiện, thiết bị và hệ thống thông tin tín hiệu)... Đối với đường ray sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp luyện kim (thép), có thể chế tạo loại P50 (lắp đặt trong depot).
Đến năm 2045, Đề án đặt ra mục tiêu liên kết sản xuất một số vật tư, phụ tùng, thiết bị, tỷ lệ nội địa hóa 30%.
Về hệ thống thông tin, tín hiệu sẽ phát triển làm chủ 100% phần mềm, nhận chuyển giao và nghiên cứu sản xuất đối với các linh kiện, phần cứng. Với hệ thống điện, trong nước sẽ đảm nhận tối thiểu 80 - 90% hạng mục điện và máy biến áp.
Kế hoạch xây dựng 6 tuyến metro tại TP.HCM đến năm 2035
- Tuyến số 1: Depot Long Bình - Bến Thành – An Hạ, chiều dài 40,8 km
- Tuyến số 2: An Sương – Bến Thành – Thủ Thiêm, chiều dài 20,2 km
- Tuyến số 3: Hiệp Bình Phước – Vòng xoay Dân Chủ - Tân Kiên – An Hạ, chiều dài 29,5 km
- Tuyến số 4: Depot Đông Thạnh – Bến Thành – Ga Bà Chiêm (Vành đai 3), chiều dài 36,8 km
- Tuyến số 5: Ga Võ Chí Công (Vành đai 2) – Bảy Hiền – Depot Đa Phước, chiều dài 32,5 km
- Tuyến số 6: Bà Quẹo – Sân bay Tân Sơn Nhất – Bình Triệu – Phú Hữu, chiều dài 22,8 km