Doanh nghiệp
TP.HCM: Kêu gọi đầu tư dự án giết mổ gia súc rồi đẩy doanh nghiệp tới bờ vực - Bài 1
Ngô Nguyên - 01/12/2020 08:28
Kể từ khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 7/2017, Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ vẫn “án binh bất động”, đẩy doanh nghiệp tới tình cảnh kiệt quệ.

Tin tưởng cơ quan chức năng TP.HCM về kêu gọi tạo điều kiện xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại để cung cấp nguồn thịt an toàn cho người dân, một doanh nghiệp đã huy động cả vốn cá nhân và của người thân làm dự án.

Kết cục giờ này, doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản bởi thủ tục “hành là chính” đến kinh hoàng và “động tác lạ” tước đi quyền lợi chính đáng của họ.

Dây chuyền máy móc chế biến thịt trị giá cả trăm tỷ đồng của doanh nghiệp đã “mốc meo” trong kho. Ảnh: Ngô Nguyên

Bài 1: Kiệt quệ vì chờ thủ tục… giải quyết con mương

Dây chuyền máy móc hàng chục tỷ đồng nhập về từ nhiều năm trước đã phủ bụi, chuột cắn hết dây, hết hạn bảo hành. Tiền đầu tư và lãi vay ngân hàng đã lên hơn 100 tỷ đồng (chiếm tới 1/3 tổng vốn dự án). Trong khi đó, dự án nhà máy giết mổ của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ thì tê liệt, đẩy doanh nghiệp tới tình cảnh kiệt quệ.

Dốc cạn túi vì tin tưởng

Uất nghẹn, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (Công ty An Hạ) cho biết, 15 năm qua, từ năm 2005 đã có phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Quãng thời gian đó, lãnh đạo TP.HCM đã luôn kêu gọi xây dựng các nhà máy công nghiệp hiện đại để cung cấp thịt lợn sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm đến người dân.

Cũng quãng thời gian đó, TP.HCM liên tục “tuyên bố” thời hạn chấm dứt hoạt động tất cả các cơ sở giết mổ gia súc thủ công. Minh chứng, trong Quy hoạch hệ thống các cơ sở giết mổ giai đoạn 2011 - 2015 đã xác định, đến cuối năm 2013, tất cả cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động.

“Cả 4 đời trong gia đình tôi làm nghề giết mổ gia súc. Chính bởi thấy được sự tâm huyết của lãnh đạo Thành phố, nên chúng tôi quyết định dùng hết công sức, tiền của để làm nhà máy”, bà Thắm nói.

Tháng 7/2017, UBND TP.HCM phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ (Dự án An Hạ) diện tích hơn 30.000 m2 của Công ty An Hạ tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), với công suất giết mổ 3.000 con/ngày. Tổng vốn đầu tư dự án là gần 237 tỷ đồng.

Trong quyết định nêu trên, TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành các hạng mục, mục tiêu chủ yếu của Dự án trong vòng 12 tháng kể từ tháng 7/2017.

Quá tin tưởng và để kịp tiến độ nêu trên, ngoài dốc hết vốn liếng, vay thêm người thân và vay vốn bên ngoài, bà Thắm đã nỗ lực cùng lúc tiến hành làm 3 việc: làm thủ tục thành lập nhà máy, thi công hạ tầng và nhập 6 dây chuyền giết mổ cùng máy móc phục vụ pha lóc đóng gói với trị giá cả trăm tỷ đồng từ Brazil, Mỹ, Nhật Bản. Thậm chí, Công ty cũng xây dựng và lắp đặt xong hệ thống xử lý nước thải với công nghệ được hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt.

Nhưng kể từ khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư, Dự án vẫn “án binh bất động”.

Kiệt quệ vì chờ thủ tục giải quyết… con mương

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Dự án tê liệt từ căn cớ đầu tiên là chuyện… con mương.

Theo tư liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, diện tích hơn 30.000 m2 của Dự án An Hạ là do Công ty An Hạ bỏ tiền túi ra mua và được cấp sổ đỏ.

“Tôi làm đơn gửi lên UBND TP.HCM và các sở, ngành xin cho doanh nghiệp được làm đúng theo quy định pháp luật, nhưng hết lần này đến lần khác bị từ chối. Giờ tiền đã đổ hết vào Dự án, nhưng không thể tiếp tục, tôi đã nghĩ đến việc nhảy lầu", bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ phát biểu tại cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM về tiến độ thực hiện nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn Thành phố ngày 18/11/2020.

Sau khi kiểm định, có cơ quan chức năng cho rằng, trong tổng diện tích trên, có hơn 387 m2 là đất công (gồm 179,8 m2 mương với chiều ngang chỉ hơn 1 m và 207,3 m2 đường bờ mương với chiều ngang hơn 2 m) phải đấu giá.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư Dự án An Hạ, tháng 7/2017, UBND TP.HCM yêu cầu trong vòng 9 tháng từ ngày có Quyết định chủ trương đầu tư (tức tới hết tháng 4/2018) chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cập nhật biến động đất trong sổ đỏ để được cấp phép xây dựng. Tình thế buộc Công ty An Hạ phải làm hồ sơ đề nghị điều chỉnh về tiến độ hoàn thành thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và tiến độ thực hiện các hạng mục khác của dự án, đồng thời xin thuê hơn 387 m2.

Tới tháng 5/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Báo cáo số 4343/STNMT - QLĐ đề xuất UBND TP.HCM cho phép Công ty An Hạ được sử dụng hơn 387 m 2 và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định để Dự án được nhanh chóng triển khai.

Nhưng ngày 29/5/2018, Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM Lê Văn Thanh (đã bị Bộ Công an khởi tố ngày 3/1/2020 về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” do có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và các đơn vị liên quan tại TP.HCM) ký Văn bản số 5733 truyền đạt ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến (cũng bị Bộ công an khởi tố tháng 7/2020 vì những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) nêu rõ: Hồ sơ chưa đủ điều kiện để UBND TP.HCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp 2 sở khác cùng UBND huyện Củ Chi căn cứ pháp lý hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện lại đúng trình tự, thủ tục.

Sau đó 2 tháng (tháng 7/2018), Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản 6898 giải đáp những “vướng víu” của lãnh đạo TP.HCM lúc bấy giờ, đặc biệt là kiến nghị cho phép Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ được sử dụng hơn 387 m2 đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Nhưng lại cũng 2 tháng sau, tới tháng 9/2018, UBND TP.HCM lại có Công văn 9985/VP - ĐT giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp và UBND huyện Củ Chi rà soát lại pháp lý của hồ sơ để xác định rõ diện tích đất cho phép Công ty An Hạ sử dụng để thực hiện Dự án. Trong khi đó, chuyên môn về pháp lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, chứ không phải sở ngành khác.

5 tháng sau đó, tới tận tháng 2/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư mới ra Công văn số 922 đề nghị UBND TP.HCM giao… Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến hướng dẫn về thực hiện giao/thuê đất đối với phần đất  hơn 387 m2). Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến chính thức, thì Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ làm nhiệm vụ… tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM.

3 tháng sau đó nữa, tới tháng 5/2019, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm lại chỉ đạo giao lại Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở khác rà soát chức năng sử dụng đất để tham mưu đề xuất diện tích đất cho phép Công ty An Hạ làm nhà máy giết mổ.

Tháng 6/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 4856 kiến nghị UBND TP.HCM cho phép Công ty An Hạ được sử dụng hơn 387 m2 đất mà không phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường như đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư trước đó. Lý do, nhiều dự án khác ở TP.HCM trong thời gian qua cũng dính tới đất dạng xen kẹt này và căn cứ quy định pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có ý kiến liên quan, nên Sở mới làm căn cứ để xác định đề xuất giao đất bởi “diện tích đất đường, mương thuộc khu đất có hình dáng dài, hẹp, xen kẹt trong phần diện tích đất của công ty nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Do vậy không thể chỉ giao phần diện tích 29.661,9 m2 mà không bao gồm đường mương diện tích 387,1 m2…”, Văn bản Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Ngay cả Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có Văn bản số 2040 ngày 17/7/2019 kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty An Hạ được sử dụng hơn 387 m2 đất; chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, ngày 6/8/2019, Văn phòng UBND TP.HCM lại có Văn bản 7018 truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu phải xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sau khi Sở Tài Nguyên và Môi trường gửi công văn đề nghị hướng dẫn, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn trả lời, trong đó hướng dẫn áp dụng khoản 15, Điều 2, nghị định 01/2017/NĐ - CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Theo đó, với những trường hợp này, "UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất đó".

Vì vậy, tháng 12/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp nhận đối với phần diện tích đất đường, mương thuộc dự án của Công ty An Hạ làm chủ đầu tư, đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương dự án.

Nhưng tới tận tháng 6/2020, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 498 truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, chấp thuận chủ trương giao phần diện tích hơn 387 m2 đất cho Công ty An Hạ thực hiện Dự án An Hạ, vì “diện tích nhỏ, phần đất này phục vụ hoạt động sản xuất, không phải phục vụ xây dựng nhà ở và không có cơ sở thực hiện bán đấu giá…”, thông báo nêu rõ.

Như vậy, chỉ bởi phần đất xen kẹt là kênh mương, dù quy định pháp lý đã rõ, dù cơ quan chuyên môn phân tích, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có 4 văn bản đề xuất, tham mưu, TP.HCM vẫn khiến dự án tê liệt ngay khâu đầu tiên (thủ tục pháp lý về giao đất) suốt gần 23 tháng trời, tính từ ngày 23/7/2018 là ngày Công ty An Hạ nộp hồ sơ xin thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong suốt thời gian đó, mỗi tháng, Công ty An Hạ phải “gồng mình” trả lãi suất cả tỷ đồng từ năm 2018 tới nay, mà Dự án vẫn “án binh bất động”.

Thủ tục chờ xử lý đất kênh mương nêu trên chỉ đẩy doanh nghiệp tới kiệt quệ. TP.HCM đã giao đất, nhưng chưa xong, lại xuất hiện vấn đề khác “là đòn” đẩy Công ty An Hạ tới bờ vực phá sản.

(còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác