Thời sự
TP.HCM: Kêu gọi đầu tư dự án giết mổ gia súc rồi đẩy doanh nghiệp tới bờ vực - Bài 2
Ngô Nguyên - 03/12/2020 07:25
Vừa được giải cứu cho sử dụng đất kênh mương xen kẹt, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ lại “chết đứng” khi UBND TP.HCM chỉ cho Công ty đóng tiền thuê đất hàng năm, thay vì đóng một lần.

Tin tưởng cơ quan chức năng TP.HCM về kêu gọi tạo điều kiện xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại để cung cấp nguồn thịt an toàn cho người dân, một doanh nghiệp đã huy động cả vốn cá nhân và của người thân làm dự án. Kết cục giờ này, doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản bởi thủ tục “hành là chính” đến kinh hoàng và “động tác lạ” tước đi quyền lợi chính đáng của họ.

Dây chuyền máy móc hàng chục tỷ đồng của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ bị phủ bụi vì chờ giải quyết thủ tục đất đai.

Bài 2: Tước quyền chọn hình thức thuê đất: “Đòn” kết liễu doanh nghiệp

Vừa được giải cứu cho sử dụng đất kênh mương xen kẹt, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ lại “chết đứng” khi mới đây, UBND TP.HCM chỉ cho Công ty đóng tiền thuê đất hàng năm, thay vì đóng một lần. Điều này khiến doanh nghiệp không thể thế chấp ngân hàng lấy vốn kinh doanh, trong khi đã kiệt quệ vì chờ thủ tục giải quyết đất xen kẹt suốt hàng chục tháng trời.

“Tôi đã nghĩ đến việc nhảy lầu”

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (gọi tắt là Công ty An Hạ - chủ đầu tư Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ tại huyện Củ Chi, TP.HCM) đã nói đầy bức xúc như vậy tại cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM về tiến độ thực hiện nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn Thành phố tổ chức ngày 18/11/2020.

Như đã phản ánh ở số báo trước, tới tận tháng 6/2020, Văn phòng UBND TP.HCM có Thông báo số 498 truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, chấp thuận chủ trương giao phần diện tích hơn 387 m2 đất cho Công ty An Hạ thực hiện Dự án Nhà máy giết mổ gia súc An Hạ.

Như vậy, mất gần 23 tháng, tính từ ngày Công ty An Hạ nộp hồ sơ xin thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (23/7/2018) tới thời điểm UBND TP.HCM ra Thông báo số 498, “nút thắt” của doanh nghiệp mới được cởi bỏ.

Tiếp đó, ngày 13/8/2020, UBND TP.HCM ra Quyết định số 2930/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép doanh nghiệp được sử dụng trọn vẹn hơn 30.000 m2 đất, bao gồm gần 400 m2 đất đường mương xen kẹt để triển khai Dự án.

Niềm vui vừa nhen lên, bỗng “trời đất như sụp xuống” - lời bà Thắm - khi Công ty An Hạ nhận được Quyết định số 3845/QĐ-UBND, ngày 14/10/2020 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký cho doanh nghiệp thuê đất với hình thức “đóng tiền thuê đất hàng năm”.

“Công ty chúng tôi đã đổ hết vốn liếng, tài sản vào Dự án, đồng thời phải vay mượn hàng trăm tỷ đồng nhập khẩu máy móc, thiết bị và làm trước hạ tầng để đảm bảo đúng tiến độ UBND TP.HCM đề ra. Nhưng bởi sự đình trệ suốt 3 năm qua, vì thủ tục giải quyết đất công xen kẹt, Dự án không triển khai, tức là không có doanh thu, trong khi mỗi tháng phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền lãi, chúng tôi đã kiệt quệ. Do tổng vốn đầu tư Dự án hơn 300 tỷ đồng, Công ty phải tiếp tục vay vốn ngân hàng mới có thể triển khai, nên từ nhiều năm trước, chúng tôi đã đề nghị được đóng tiền thuê đất một lần. Vậy mà…”, bà Thắm nghẹn ngào nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, bà Thắm cho biết, tại cuộc họp với Sở NN&PTNT TP.HCM về tiến độ thực hiện nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp trên địa bàn Thành phố với sự tham dự của nhiều cơ quan công luận, bà đã phát biểu: “Tôi làm đơn gửi lên UBND TP.HCM và các sở, ngành xin cho doanh nghiệp được làm đúng theo quy định pháp luật, nhưng hết lần này đến lần khác bị từ chối. Giờ tiền đã đổ hết vào Dự án, nhưng không thể tiếp tục, tôi đã nghĩ đến việc nhảy lầu!”.

Được biết, tại cuộc họp nêu trên, trước ý kiến của bà Thắm, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM giải đáp, song người đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết chỉ là người đi họp thay, không có thẩm quyền quyết định.

Tước quyền lựa chọn của doanh nghiệp?

Không chỉ đối chiếu quy định tại Luật Đất đai (năm 2013) cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với nhiều luật sư tại TP.HCM về sự việc này. Tất cả luật sư đều khẳng định, luật cho phép doanh nghiệp được quyền lựa chọn một trong 2 hình thức đóng tiền thuê đất hàng năm hoặc một lần cho cả thời gian thuê. Với hình thức thuê đất trả tiền một lần, giá thuê sẽ cao hơn trả tiền hàng năm.

Việc được lựa chọn hình thức sử dụng đất tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất được tiếp cận đất đai, chủ động hơn trong quá trình sử dụng, chọn hình thức sử dụng đất phù hợp với nhu cầu, mục đích sử dụng đất và khả năng tài chính.

Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 hình thức trả tiền thuê đất nói trên là:

Đối với đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, người sử dụng đất không được quyền chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho, góp vốn… bằng quyền sử dụng đất, mà chỉ được thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản trên đất.

Đối với đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, người sử dụng đất có thể chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Thắm cho biết, sở dĩ doanh nghiệp lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian sử dụng (hết hạn vào năm 2067 theo quyết định chấp thuận đầu tư của UBND TP.HCM) với chi phí cao hơn trả tiền hàng năm, bởi tổng vốn đầu tư Dự án hơn 300 tỷ đồng, nhưng do tê liệt suốt nhiều năm qua, không có doanh thu mà mỗi tháng vẫn phải trả lãi hơn 1 tỷ đồng, nên Công ty đã kiệt quệ, phải thế chấp Dự án bao gồm đất để có vốn triển khai hoàn thiện Nhà máy.

“Quyết định này (trả tiền thuê đất hàng năm - PV) như đòn cuối “kết liễu” đối với Công ty, bởi ngân hàng không chấp nhận thế chấp đối với dự án thuê đất trả tiền một năm”, bà Thắm bật khóc…

Điều đáng lưu ý, như chính cơ quan chức năng TP.HCM xác định, đó là trong hơn 30.000 m2 đất dự án nêu trên, có hơn 29.661 m2 do Công ty An Hạ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân. Nói cách khác, diện tích đất “cho thuê” này không phải đất sạch do chính quyền TP.HCM giao cho doanh nghiệp thuê, cũng tức là doanh nghiệp phải “thuê” tài sản mà mình đã bỏ kinh phí ra để nhận chuyển nhượng.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, với Quyết định số 3845/QĐ-UBND, ngày 14/10/2020 cho Công ty An Hạ thuê đất trả tiền hàng năm thay vì trả tiền 1 lần cho cả thời gian sử dụng, UBND TP.HCM có tước đi quyền chính đáng của doanh nghiệp và đẩy họ vào bước đường cùng của bờ vực phá sản?

Sự khó hiểu của cơ quan tham mưu

Khó hiểu bởi, như đã phân tích ở kỳ trước, từ năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM rất “nỗ lực” đề xuất giao gần 400 m2 đất xen kẹt cho Công ty An Hạ làm dự án và đến tháng 6/2020, UBND TP.HCM đã chấp thuận.

Tuy nhiên, khi xử lý vấn đề đóng tiền sử dụng đất thì Sở này lại… rất lạ.

Cụ thể, tháng 5/2018 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Văn bản số 4343/STNMT-QLĐ đề xuất UBND TP.HCM cho phép Công ty An Hạ thuê đất theo hình thức đóng tiền thuê đất hàng năm.

Bởi cần phải vay vốn ngân hàng, ngay sau đó, ngày 22/5/2018, Công ty An Hạ đã gửi văn bản tới UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề nghị được chọn hình thức đóng tiền một lần cho cả thời gian thuê.

Tới ngày 29/5/2018, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản số 5733 truyền đạt ý kiến của lãnh đạo TP.HCM “vặn” Sở Tài nguyên và Môi trường, yêu cầu phải phối hợp các sở, ngành khác thực hiện lại việc hướng dẫn doanh nghiệp, bởi lý do, Công ty An Hạ xin trả tiền thuê đất một lần, trong khi Sở lại đề xuất trả hàng năm.

Tháng 7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 6898 gửi UBND TP.HCM lý giải việc doanh nghiệp kiến nghị một đằng, Sở đề xuất một nẻo bởi: “Qua rà soát, văn bản nêu trên (văn bản xin được trả tiền thuê đất 1 lần của Công ty TNHH An Hạ - PV) không gửi tới Sở Tài nguyên và Môi trường.

Dẫu vậy, cuối Văn bản số 6898 do ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ký cũng nêu: “Nay, theo đề nghị của Công ty TNHH An Hạ về đề nghị được sử dụng đất với hình thức cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, Sở Tài nguyên và Môi trường dự thảo lại quyết định kiến nghị UBND Thành phố xem xét”.

Nội dung như trên khiến doanh nghiệp tin tưởng, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất lại theo kiến nghị của mình.

Ngày 14/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Văn bản số 8185/STNMT-QLĐ trình UBND TP.HCM cho phép Công ty TNHH An Hạ thuê đất, chuyển mục đích sử dụng hơn 30.000 m2 để xây dựng nhà máy.

Tuy nhiên, Công ty An Hạ lại một lần nữa “chết đứng” khi ngày 14/10/2020, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 3845/QĐ-UBND cho công ty thuê đất theo hình thức “đóng tiền thuê đất hàng năm”. Quyết định này căn cứ hàng loạt văn bản đề xuất tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Công ty An Hạ liên tiếp có các công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.HCM xin được điều chỉnh hình thức sử dụng đất là thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Sau đó, phía UBND TP.HCM… chuyển đơn về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Bà Thắm đã nhiều lần đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phát biểu, nêu bức xúc về sự việc này tại nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan của TP.HCM.

Nhưng đến nay, mọi việc vẫn… không thay đổi.

“Quyết định bắt buộc chúng tôi đóng tiền thuê đất hàng năm, mà không được trả một lần, thực sự làm chúng tôi gục ngã. Bao tâm huyết, công sức, tiền của của cả 4 đời dòng họ gia đình chúng tôi đổ vào Dự án từ trước tới nay, xem ra mất trắng.

Tệ hơn nữa, những khoản vay ngoài mà chúng tôi đã vay để thực hiện Dự án đang phải trả lãi hàng tháng rồi sẽ ra sao? Chẳng lẽ, vì tôi muốn mang thực phẩm sạch cho người dân theo lời kêu gọi của lãnh đạo Thành phố, mà đẩy cả dòng họ vào tình thế bi đát hiện nay?”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác