Cụ thể, theo đề xuất của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (UCCI), tuyến BRT số 1 có chiều dài 23 km với điểm đầu tuyến là vòng xoay An Lạc (trong giai đoạn 2 sẽ kết nối với Bến xe Miền Tây mới trên địa bàn huyện Bình Chánh) và điểm cuối là ga Rạch Chiếc của tuyến metro số 1 (quận 9).
Tuyến BRT số 1 sẽ đi qua các tuyến giao thông quan trọng của Thành phố như đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… Tuyến này gồm hai làn xe với mỗi làn rộng 3,5 mét đi kèm với các hạng mục như cải tạo 6 cầu bộ hành hiện hữu và xây mới 11 cầu bộ hành, 28 trạm dừng, 8 bãi đậu xe cá nhân, di dời các hệ thống cây xanh dọc tuyến...
Sơ đồ các tuyến Metro và BRT TP.HCM |
Tổng mức đầu tư của tuyến BRT số 1 là hơn 143 triệu USD, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới khoảng 123 triệu USD và còn lại là vốn đối ứng.
“Suất đầu tư tính ra khoảng 3,5 triệu USD/ 1 km, nếu so sánh với suất đầu tư các tuyến BRT trên thế giới thì suất đầu tư này là ở mức thấp”, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban UCCI nói và cho biết, hiện dự án đang trong giai đoạn thiết kế, dự kiến cuối năm nay xong thiết kế để đến tháng 8/2018 sẽ thi công xây dựng và đến tháng 12/2019 chính thức được vận hành.
Đại diện UCCI cũng cho biết, dự báo trong năm đầu tiên vận hành, tuyến BRT số 1 sẽ vận chuyển khoảng 10.000 lượt hành khách mỗi ngày và sẽ tăng lên 20.000 khách/ngày trong 5-10 năm tiếp theo. Tốc độ di chuyển của xe buýt nhanh khoảng 30 km/giờ, giúp rút ngắn được khoảng 25 phút nếu so với phương tiện buýt thường hiện nay.
Theo quy hoạch, đến năm 2050, TP.HCM có 8 tuyến tàu điện ngầm (metro) và 6 tuyến buýt nhanh (BRT), hai phương thức giao thông hiện đại này sẽ phục vụ khoảng trên 30% nhu cầu đi lại của người dân thành phố.