Còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ
Tình hình kinh tế đang từng bước phục hồi, tuy nhiên doanh nghiệp lữ hành vẫn còn nhiều khó khăn trong việc kinh doanh. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất tiếp tục gia hạn giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành trong năm 2024.
Về sản phẩm du lịch đặc trưng, doanh nghiệp du lịch mong muốn Sở Du lịch tiếp tục kiến nghị các cấp tạo hành lang thông thoáng để phát triển sản phẩm du lịch. Đồng thời các quận, huyện cần triển khai chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” đến các phường, xã để tạo sự lan tỏa và đẩy mạnh sự phối hợp giữa doanh nghiệp và địa phương.
Một trong những kiến nghị là nạo vét, vớt lục bình tại các kênh rạch để hướng đến hình ảnh xanh, sạch, đẹp. |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển du lịch đường thủy khai thác và phát triển tại TP.HCM, các doanh nghiệp kiến nghị cần có phương án hỗ trợ trong việc nạo vét, vớt lục bình tại các kênh rạch, đặc biệt là tuyến thủy nội địa Nhiêu Lộc – Thị Nghè và sông Sài Gòn để hướng đến hình ảnh xanh, sạch, đẹp trong mắt người dân và du khách.
Về hoạt động xúc tiến du lịch, ngành du lịch TP.HCM cần tham gia quảng bá tại các chương trình sự kiện quốc tế lớn của thế giới như: World travel market (WTM) tại Anh, hội chợ ITB tại Đức… Do đó, kế hoạch xúc tiến năm cần gửi sớm cho doanh nghiệp du lịch để chủ động xây dựng kế hoạch tham gia cùng ngành du lịch của TP.HCM.
Hiện nay, tình trạng thiếu hụt thuyết minh viên tại các điểm tham quan du lịch rất nhiều. Vì vậy, theo nhiều doanh nghiệp, các điểm tham quan cần xây dựng bộ thuyết minh chuẩn để phục vụ cho công tác đào tạo nhân sự mới được tuyển dụng và các hướng dẫn viên du lịch để khắc phục tình trạng yếu và thiếu thuyết minh viên tại điểm nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn.
Đặc biệt, liên quan đến các trường hợp du khách bỏ trốn khi du lịch ở nước ngoài, theo các doanh nghiệp lữ hành, Điều 9 Luật Du lịch (năm 2017) chưa thể hiện rõ việc bảo vệ doanh nghiệp lữ hành trong việc tổ chức đưa khách hàng và quản lý khách hàng ở nước ngoài. Nguyên nhân là do, doanh nghiệp không thể quản lý khách hàng 24/24 giờ và cũng khó kiểm tra hết được khách hàng có mục đích đi du lịch thực sự hay không? Do đó, doanh nghiệp kiến nghị sở đề xuất cơ quan quản lý bổ sung, sửa đổi luật để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tự tin thúc đẩy phát triển khách du lịch.
Sẽ có cơ chế hỗ trợ
Qua ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia du lịch, Sở Du lịch TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ban ngành triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, sẽ có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong năm 2024. |
Theo đó, về phía UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” đến các phường, xã. Về phía Sở Giao thông vận tải, cần tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, có phương án hỗ trợ trong việc nạo vét, vớt lục bình tại các kênh rạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch khai thác.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; có giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống nhà vệ sinh công cộng của TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Theo Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao cần hướng dẫn các bảo tàng công lập và tư nhân phương hướng kinh doanh dịch vụ về đêm để phục vụ khách du lịch; đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ “đóng băng” về luật sử dụng tài sản công ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng lưu niệm…