Thời sự
TP.HCM sẽ được hưởng những cơ chế đặc thù nào?
Hà Nguyễn - 14/11/2017 07:57
TP.HCM sẽ được thí điểm tự quyết chuyển đổi mục đích đất sử dụng lúa từ 10 ha trở lên, tự quyết định chủ trương đầu tư với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố...

Sáng nay, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ được trình ra Quốc hội.

Nếu được thông qua, “siêu đô thị” TP.HCM sẽ được thí điểm áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cũng như cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý...

Tự quyết dự án đầu tư nhóm A

Cụ thể, HĐND TP.HCM sẽ được tự quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất.

.

Đồng thời, việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa này phải thực hiện công khai xin ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai; tổ chức đấu thầu, thu ngân sách theo quy định của pháp luật về chuyển mục đích sử dụng đất.

Một cơ chế thí điểm quan trọng khác, là HĐND TP.HCM được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công.

Trong khi đó, về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, HĐND TP.HCM chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; cũng như việc thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí...

Số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu thì ngân sách Thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố...

Theo Dự thảo Nghị quyết, TP.HCM cũng được thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Cụ thể, sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định của cấp có thẩm quyền quyết định cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND TP.HCM được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm...

Được tăng giới hạn mức nợ vay lên 90%

TP.HCM cũng sẽ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho Thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP.HCM hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo quy định hiện hành, mức dư nợ vay của TP.HCM không quá 70% thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Việc tăng giới hạn mức dư nợ vay sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM có thêm dư địa huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển Thành phố.

Đồng thời, việc tăng giới hạn dư nợ vay vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép, vì kết hợp với quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP.HCM hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Dự thảo Nghị quyết, ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố.

Ngân sách Thành phố cũng sẽ được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Dự thảo Nghị quyết cũng dự kiến cho phép HĐND TP.HCM được quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố.

Việc thí điểm cơ chế đặc thù với TP.HCM dự kiến được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành. Trước khi hết thời gian thực hiện thí điểm, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo kế hoạch, sau khi được trình và thảo luận tổ ngày hôm nay, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM sẽ được thảo luận tại Hội trường vào ngày 20/11 và bấm nút thông qua vào ngày 24/11.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình trước sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho TP.HCM, tạo điều kiện cho đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước phát triển.

Tin liên quan
Tin khác