Nhà máy công nghệ cao của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. |
Tổ chức không gian phát triển công nghiệp gắn với liên kết vùng
Được xác định giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển các ngành khác, nhưng lĩnh vực công nghiệp của TP.HCM có dấu hiệu chậm lại, năng lực cạnh tranh giảm, đối mặt nhiều thách thức lớn làm suy yếu vai trò trở thành trung tâm công nghiệp của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Vì vậy, một chiến lược cốt lõi với tư duy đột phá nhằm tái định vị ngành công nghiệp thành phố trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đến năm 2030, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển dần sang tự túc sản xuất được nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất.
Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục. Xác định các vùng sản xuất công nghiệp tập trung gắn với mạng lưới các khu, cụm công nghiệp, các khu vực sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Sắp xếp và tổ chức không gian phát triển công nghiệp gắn với liên kết vùng.
Theo đó, các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành trên địa bàn TP.HCM và vùng Đông Nam bộ; một số ngành công nghiệp của Thành phố có thể mở rộng đầu tư vào vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác. Các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp cơ khí, kim loại đúc sẵn tập trung tại các khu công nghiệp đã quy hoạch ở vùng lõi, gồm TP. Thủ Đức, quận 7. Các ngành sản xuất thiết bị điện; sản xuất trang phục; dệt may; da giày và các ngành công nghiệp khác tập trung tại các khu công nghiệp đã quy hoạch ở vùng ngoại vi, gồm Nhà Bè, Tân Bình, Tân Phú, quận 12, Bình Tân...
Các chiến lược cốt lõi
Công nghiệp của TP.HCM đang có sự dịch chuyển, đáp ứng sự phát triển khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, công cuộc tái định vị công nghiệp theo hướng phát triển bền vững là hết sức cấp thiết, đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết 31-NQ/TW về phát triển TP.HCM trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị .
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Thành phố cần tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ngành công nghiệp; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; liên kết với các địa phương trong phát triển nguồn nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp; mở rộng hoạt động giao lưu học hỏi kinh nghiệm quốc tế, khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm của ngành cũng như xây dựng thương hiệu.
TP.HCM cần tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản trị, năng suất chất lượng cho doanh nghiệp; triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn. Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp; thành lập các trung tâm đào tạo nhân lực tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức các chương trình tham quan, nghiên cứu thực tế các nhà máy lớn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Cần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ưu tiên nguồn lực, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp trọng điểm có lợi thế cạnh tranh.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Hoàn thiện quy chế lập, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc lập, quản lý và sử dụng quỹ này đạt hiệu quả.
Đề xuất đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức và hoạt động khoa học - công nghệ; phương thức sử dụng ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ; đề xuất xây mới hoặc nâng cao hiệu quả các trung tâm nghiên cứu chế tạo công nghệ, máy móc thiết bị nhằm hình thành các trung tâm mang tầm cả nước và khu vực.
(*) Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM