Điểm nóng
TP.HCM thực hiện công nghiệp hóa hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: “Vỡ kế hoạch” tới lần thứ… 5
Ngô Nguyên - 05/09/2022 07:56
Nếu TP.HCM tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công tới năm 2023, thì đây sẽ lần... thứ 5, kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của địa phương này bị “phá sản”.
Một xưởng giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tại TP.HCM.

Kế hoạch liên tục “phá sản”

Sau quá nhiều lần gia hạn, đầu năm 2022, UBND TP.HCM đã “lệnh” chỉ cho gia hạn thời gian hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn Thành phố đến ngày 31/8/2022 và gia hạn thời gian hoạt động của Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn đến ngày 31/12/2022.

Tới hạn, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM lại có đề xuất tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động của 8 cơ sở giết mổ gia súc thủ công đến ngày 31/1/2023 gồm: Cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (quận Bình Tân), Cơ sở giết mổ Phước Kiển (huyện Nhà Bè), các cơ sở giết mổ Tân Phú Trung, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Xuyên Á (huyện Củ Chi), khu vực giết mổ thủ công của Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn); gia hạn thời gian hoạt động của Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (quận Gò Vấp) đến ngày 31/12/2024.

Lượng giết mổ gia súc của 8 cơ sở xin gia hạn hoạt động đến ngày 31/1/2023 chiếm khoảng 80% tổng lượng giết mổ gia súc của TP.HCM (bình quân 6.200 con/ngày), chiếm 45% nhu cầu tiêu thụ thịt heo của người dân Thành phố (khoảng 11.000 con/ngày). Còn lượng giết mổ gia cầm tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn thì chiếm hơn 50% nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm của người dân TP.HCM (khoảng 125.000 con/ngày).

Như vậy, nếu UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất lùi thời hạn của chính quyền các quận, huyện liên quan và Sở NN&PTNT, thì đây là lần thứ 5 (tính từ hạn đầu tiên là cuối năm 2013) kế hoạch chấm dứt hoạt động giết mổ thủ công và chuyển sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động này của TP.HCM bị “phá sản”.

Nhà máy không đạt công suất

Đây là một trong những nguyên nhân làm phá sản liên tiếp kế hoạch chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ thủ công tại TP.HCM.

Tìm hiểu, phóng viên Báo Đầu tư được biết, TP.HCM có tới 3/4 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đã hoàn thành và đang hoạt động, nhưng không đạt công suất.

Một là, Nhà xưởng giết mổ 1 của Nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp Xuân Thới Thượng, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 4/2018, nhưng lượng giết mổ bình quân khoảng 500 con/ngày, chỉ đạt 25% công suất thiết kế và và khoảng 25 - 33% công suất giết mổ. Phía Nhà máy cho biết, việc không đạt công suất là do nhu cầu thị trường tiêu thụ chậm, tình hình hoạt động ở các chợ chưa ổn định, nguồn thịt đông lạnh nhập về nhiều.

Hai là, Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An, chỉ giết mổ bình quân 780 con/ngày, đạt khoảng 39% công suất thiết kế và khoảng 52% công suất giết mổ.

Ba là, Nhà máy giết mổ gia súc của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý về môi trường để đi vào vận hành chính thức. Nhà máy này hiện chỉ cho thuê giết mổ và phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mình với công suất giết mổ khoảng 40 con/ngày, chỉ đạt 2% công suất thiết kế và khoảng 4% công suất giết mổ.

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, 3 nhà máy trên cùng với nhà máy của Công ty Vissan có tổng sản lượng giết mổ gia súc đạt 1.900 - 2.000 con heo/ngày, chỉ chiếm khoảng 32 - 40% theo Kế hoạch số 831/KH-UBND của UBND TP.HCM (dự kiến đến 31/8/2022 phải nâng công suất lên 4.700 - 6.200 con/ngày, đáp ứng 42 - 56% nhu cầu tiêu thụ của Thành phố).

Mệt mỏi vì thủ tục, dự án tâm huyết xin chuyển sang… xây nhà vườn

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, ngoài các nhà máy đang hoạt động nhưng không đạt công suất, TP.HCM còn tới 4 dự án, theo kế hoạch thì đã phải hoàn thiện để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án này bị kéo dài lê thê vì thủ tục, nhiều vướng víu pháp lý và buộc phải chuyển đổi mục đích.

Điển hình là Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp của Hợp tác xã Tân Hiệp, quy mô 15 ha, công suất giết mổ gia súc 1.000 - 3.000 con/ngày.

Từ năm 2004, cơ quan chức năng đã khảo sát Dự án Nhà máy. Đến năm 2006, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng được lập và năm 2008 hoàn tất hồ sơ làm thủ tục giao đất. Tại Quyết định số 313/QĐ-UBND về quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, TP.HCM lên kế hoạch, đến cuối năm 2013, Nhà máy này đi vào hoạt động.

Nhưng đến cuối năm 2013, Dự án mới xong được phần thủ tục thu hồi điều chỉnh ranh đất để lập quy hoạch, đến năm 2017 mới xong thủ tục lập quy hoạch chi tiết 1/500. Sau đó, khi Dự án bắt đầu triển khai, thì lại thiếu con đường ra vào nhà máy.

Lê thê mỏi mòn đến mức, tháng 2/2022, Hợp tác xã Tân Hiệp có Công văn số 24/CV-HTX gửi UBND huyện Hóc Môn xin ngưng thực hiện Dự án và điều chỉnh chức năng sử dụng đất thành khu dân cư nhà vườn.

Nguyên nhân là: việc thực hiện Dự án gặp khó khăn vì vướng mắc trong việc điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cũng như trong việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng do không đủ hồ sơ pháp lý dự án; tuyến đường kết nối vào khu vực Dự án vẫn chưa được triển khai thi công; vị trí khu đất quy hoạch nhà máy có 3 mặt tiếp giáp sông, nên không đảm bảo về môi trường theo quy định...

“Đại dự án” cũng khốn đốn vì quy trình

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự Dự án Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp là Dự án Nhà máy giết mổ gia cầm xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV. Nhà máy đã làm lễ động thổ từ cách đây 12 năm (tháng 8/2010) với dự kiến nghiệm thu và đưa vào sản xuất năm 2012. Theo kế hoạch, sau năm 2012, doanh nghiệp này cũng sẽ trình Dự án Di dời cơ sở giết mổ gia cầm An Nhơn, đầu tư mới dây chuyền giết mổ gia cầm công suất 100.000 - 150.000 con/ngày.

Nhưng mới đây, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV cho hay, đã mất nhiều thời gian mà tới nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục pháp lý xin thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đối với Dự án Nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm tại xã Tân Thạnh Tây. Do đó, đến nay, Tổng công ty chưa thể triển khai xây dựng Nhà máy giết mổ gia cầm để di dời Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn, nên không thể hoàn thành đúng kế hoạch của Thành phố.

Do đó, Tổng công ty xin gia hạn thời gian hoạt động của Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn đến ngày 31/12/2024.

Đặc biệt, Dự án Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ (của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ) thì khốn khổ vô cùng.

Từ tháng 7/2017, UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trên diện tích hơn 30.000 m2 tại xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), với công suất giết mổ 3.000 con/ngày, tổng vốn đầu tư gần 237 tỷ đồng.

Nhưng, chỉ vì vướng một con mương có diện tích 387 m2 là đất công nằm xen kẹt trong Dự án, mà suốt từ năm 2018 đến giữa năm 2020, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ không được giao đất, không được cấp phép xây dựng.

Doanh nghiệp này kêu cứu suốt nhiều năm. Tới tháng 10/2020, UBND TP.HCM có Quyết định số 3845/QÐ-UBND cho Công ty TNHH An Hạ thuê đất với hình thức đóng tiền thuê đất hằng năm. Quyết định này lại khiến doanh nghiệp bế tắc về nguồn vốn, vì ngân hàng chỉ có thể cho vay khi doanh nghiệp đã đóng tiền thuê đất hết 50 năm.

Không triển khai được dự án, thiết bị máy móc trị giá hơn 100 tỷ đồng mà doanh nghiệp nhập về từ năm 2018 phải “trùm mền”, gỉ sét.

Tháng 7/2021, TP.HCM yêu cầu đến ngày 31/12/2021 phải đưa vào hoạt động 3 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, trong đó có nhà máy của Công ty TNHH An Hạ. Tuy nhiên, bởi quá nhiều khốn đốn, tới thời điểm này, Công ty mới lắp đặt thiết bị dây chuyền giết mổ công nghiệp và đang lắp đặt các thiết bị phụ trợ. Dự kiến, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động chính thức trong tháng 11/2022. Sau đó, doanh nghiệp mới di dời Cơ sở giết mổ Xuyên Á (công suất giết mổ gia súc thủ công tập trung bình quân hiện nay khoảng 1.000 con/ngày) để chuyển về giết mổ công nghiệp tại Nhà máy.

Liên tiếp gia hạn kế hoạch

 Tháng 1/2011: UBND TP.HCM ra Quyết định số 313/QĐ-UBND về quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, buộc các cơ sở giết mổ thủ công phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2013; đầu tư xây dựng 4 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2013. Thời điểm này, toàn Thành phố có khoảng 30 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Đến thời hạn, mục tiêu đề ra không đạt.

Năm 2016: UBND TP.HCM có Quyết định số 2032 gia hạn đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động và toàn bộ được đưa vào 6 nhà máy giết mổ gia súc. Kế hoạch này cũng bị phá sản.

Cuối năm 2017: Kế hoạch được gia hạn đến ngày 30/9/2019. Tới thời điểm gia hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, khi thực hiện dự án, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý và mất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện so với kế hoạch đã đề ra.

Tháng 9/2019: UBND TP.HCM gia hạn đến ngày 31/12/2020, nhưng vẫn không hoàn thành.

Tháng 12/2020: UBND TP.HCM lại tiếp tục gia hạn tới ngày 31/8/2022. Kề cận thời hạn này, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM đề xuất lùi sang năm 2023.

Tin liên quan
Tin khác