Thời sự
TP.HCM triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ chuỗi phân phối, chợ truyền thống
Thị Hồng - 21/07/2021 16:38
Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản hoả tốc gửi các đơn vị liên quan, nhằm siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, bảo vệ hệ thống phân phối trên địa bàn.

Sở Công thương TP.HCM vừa có văn bản hoả tốc gửi UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền; Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức; Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Hóc Môn; Đơn vị quản lý chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

Văn bản này đề cập đến hàng loạt công việc cần triển khai nhằm ưu tiên bảo vệ hệ thống phân phối nói chung, đặc biệt đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống để duy trì, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân được ổn định, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Siết chặt phòng chống dịch tại chợ truyền thống

Cụ thể, đối với tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ truyền thống như tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại chợ đối với tiểu thương, người lao động, khách hàng. 

Sở Công thương TP.HCM đề nghị các cá nhân kịp thời thông tin cho nhân viên phụ trách phòng, chống dịch tại chợ nếu phát hiện bản thân hoặc khách hàng, người làm việc cùng, người lao động có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của nhân viên phụ trách công tác phòng, chống dịch của đơn vị. 

Trường hợp có người lao động, người bán hàng, khách hàng được xác định nhiễm Covid-19 tại chợ thì thực hiện phân luồng, khử khuẩn và vệ sinh môi trường theo hướng dẫn của cơ quan y tế. 

Chuỗi cửa hàng Guardian tại TP.HCM triển khai bán rau củ quả theo chương trình của Sở Công thương TP.HCM nhằm giảm tải cho hệ thống phân phối hiện đại cũng như cung cấp đầy đủ thực phẩm đến người dân (Ảnh: Lê Toàn).

Bên cạnh việc thực hiện 5K, khách hàng, đơn vị quản lý chợ, người lao động... bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế điện tử, giữ khoảng cách an toàn giữa người với người tối thiểu từ 2 (hai) mét.

Đơn vị liên quan phải kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Cùng với đó, phải phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ nhằm phân luồng di chuyển cho khách đi chợ giữa các khu vực, các ngành hàng trong chợ theo hướng một chiều từ khi vào chợ cho đến khi ra khỏi chợ; điều tiết lượng khách mua hàng tại cùng một thời điểm tùy theo điều kiện không gian, diện tích của chợ.

Rà soát, bố trí khu vực để giãn cách vị trí giữa các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ như: khu kinh doanh thức ăn, sân chợ... để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp; theo đó, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 02 (hai) mét khi tiếp xúc, giao dịch hàng hóa.

Giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua cần được xem xét việc bố trí vách ngăn/màn ngăn trong suốt Các tiểu thương phải treo bảng niêm yết giá, giá cả niêm yết rõ ràng, phù hợp để khách hàng thuận tiện trong mua sắm.

Việc áp dụng “Thẻ ra vào chợ” cần tiếp tục được nghiên cứu, áp dụng. Việc phát phiếu được sử dụng nhằm để người dân cách 02 ngày đi chợ 1 lần hoặc cách 03 ngày/lần; theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ vào chợ/30 ngày.

Nền nhà, lối đi trong chợ và các khu vực công cộng phải được vệ sinh, khử khuẩn bằng dung dịch tẩy rửa ít nhất 1 lần/ngày; khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ ít nhất 2 lần/tuần bằng các dung dịch sát khuẩn theo khuyến cáo của cơ quan y tế. 

Bố trí gian hàng, người mua đảm bảo giãn cách, 5K

Người lao động, tiểu thương, người bán hàng tại chợ sẽ được quản lý qua các thông tin như họ tên, năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ nơi ở, số điện thoại, địa chỉ quê quán và phải thông báo kịp thời khi có tiếp xúc với các trường hợp FO hoặc F1. 

Cửa hàng Con Cưng tại TP.HCM cũng bán rau củ quả (Ảnh: Lê Toàn).

Người dân chỉ đi chợ theo đúng ngày được quy định trên Thẻ ra vào chợ/app đặt lịch hoặc tổng đài đặt lịch đi chợ và gửi Thẻ vào chợ/quét mã QR Code khai báo cho đơn vị quản lý chợ tại cổng vào chợ.

Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể rà soát các khu vực phù hợp để tổ chức điểm bán trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo đó, lựa chọn vị trí phù hợp như ưu tiên khu vực có nhiều bóng mát, không ảnh hưởng đến giao thông, có thể giới hạn khu vực tổ chức điểm bán, phân luồng một chiều,...

Bố trí các gian hàng để tổ chức các điểm bán với quy mô phù hợp (mỗi điểm có thể tối thiểu cần từ 3 – 6 tiểu thương, ưu tiên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả), hàng hóa được đóng gói và niêm yết sẵn giá để người mua lựa chọn nhanh và hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán - người mua.

Các địa phương cần thông tin về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn được biết (thời gian, mặt hàng, quy cách, giá bán...) và hướng dẫn để người dân ưu tiên đi chợ trong khu vực gần.  

Hiện, Sở Công Thương phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống.

Theo đó, TP.HCM sẽ triển khai thí điểm mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” tại chợ Tân Chánh Hiệp, quận 12; thí điểm mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” tại chợ Bình Thới, quận 11. 

Sau khi triển khai thí điểm sẽ đánh giá, hiệu chỉnh (nếu cần) và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Công thương TP.HCM khuyến khích các địa phương chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong tổ chức hoạt động của chợ, đảm bảo phân bổ số người đến chợ theo từng khung giờ, kiểm soát được số lượng người ra - vào chợ theo từng thời điểm, mật độ người đến chợ, khai báo y tế điện tử... và lưu trữ thông tin liên quan nhằm phục vụ công tác khoanh vùng, truy vết khi cần thiết.

Tin liên quan
Tin khác