Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), trong 10 tháng của năm 2023, tổng vốn đầu tư (cấp mới và điều chỉnh vốn) vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đạt 948 triệu USD, đạt 172,51% kế hoạch của năm (kế hoạch đề ra 550 triệu USD), tăng 124 % so cùng kỳ năm 2022.
Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP.HCM |
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý trong thu hút vốn đầu tư 10 tháng là vốn của nhà đầu tư trong nước rót vào các khu công nghiệp vượt xa so với vốn FDI.
Cụ thể, tổng vốn của nhà đầu tư trong nước rót vào các khu công nghiệp đạt 17.955 tỷ đồng (tương đương 764 triệu USD), tăng 174 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cấp mới 35 dự án, số vốn đầu tư đăng ký 16.329 tỷ đồng (tương đương 695 triệu USD); 16 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 1.626 tỷ đồng (tương đương 69,73 triệu USD).
Trong khi vốn đầu tư nước ngoài rót vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố chỉ đạt 184 triệu USD, tăng 28 % so với cùng kỳ năm ngoái. Dù dự án cấp mới lên tới 13 dự án nhưng số vốn đầu tư đăng ký chỉ đạt gần 61 triệu USD, song vẫn tăng 122 % so với cùng kỳ; 23 dự án điều chỉnh vốn với vốn điều chỉnh tăng 123 triệu USD, tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước.
Ghi nhận thực tế cho thấy, việc hết quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư là nguyên nhân dẫn đến số vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp tại đầu tàu kinh tế TP.HCM đạt thấp so với vốn đầu tư trong nước. Trong khi với quy mô nhỏ, việc thuê nhà xưởng xây sẵn trong các khu công nghiệp rất phù hợp với doanh nghiệp trong nước.
Một điểm cũng dễ nhận thấy là trong những năm gần đây dù vốn FDI đầu tư vào TP.HCM vẫn đạt ở mức cao nhưng chủ yếu là vốn rót vào các dự án bất động sản và các dự án thương mại, dịch vụ. Còn các dự án sản xuất tại các khu công nghiệp nhà đầu tư nước ngoài thường chọn đầu tư vào các tỉnh lân cận.