Tiêu dùng
TP.HCM: Xử phạt 633 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm
Nguyễn Ngân - 18/10/2022 15:56
TP.HCM đã tịch thu, tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở.

Báo cáo tại Hội nghị Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng ngày 18/10 tại TP.HCM, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượgn chức năng TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng.  Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 1 cơ sở...

 Theo Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP, hiện hệ thống các văn bản pháp luật về ATTP cả hành chính và hình sự tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn gây ra vướng mắc, bất cập.

Hội nghị Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam

 Cụ thể, đối với hành vi “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” đã được quy định trong Bộ Luật hình sự 2015, tuy nhiên khi xét đến yếu tố cấu thành tội phạm thì gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lỗi. Bên cạnh đó, còn thiếu các Quy chuẩn quốc gia về các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chế biến từ nông sản nên thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả về chất lượng. Các Nghị định xử phạt liên quan đến lĩnh vực ATTP không quy định thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính của Ban Quản lý ATTP, gây khó khăn trong việc xử lý các cơ sở vi phạm.

 Một vấn đề khác đó là các mặt hàng nông sản tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn, đoàn kiểm tra không thể giữ lô hàng của cơ sở đến khi có kết quả kiểm nghiệm vì khi đó, lô hàng đã hư hỏng, hết thời hạn sử dụng. Trong khi dó nếu lấy mẫu kiểm nghiệm phải chờ kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định khoảng vài ngày. Trường hợp kết quả kiểm nghiệm không đạt, cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng khó thu hồi, tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo chất lượng do sản phẩm đã được tiêu thụ trên thị trường.

 Bởi thực tế trên, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của trong công tác xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền lập Biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, đề xuất có văn bản hướng dẫn đối với loại hình quản lý kinh doanh thương mại điện tử cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác