Khám chữa bệnh trên VNeID có vấn đề
UBND TP.HCM vừa cho hay, kết quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tới nay, Thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, số đăng ký khai sinh, số đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con với tổng số hơn 12,8 triệu hồ sơ.
TP.HCM cũng địa phương đầu tiên triển khai thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh.
Dù vậy, việc số hóa của Thành phố còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt với lĩnh vực y tế.
Cụ thể là việc triển khai Sổ sức khỏe thông qua VNeID chưa có quy chế vận hành và khai thác dữ liệu trên VNeID cho nhân viên y tế nên các cơ sở khám, chữa bệnh gặp khó khăn trong việc khai thác dữ liệu khám chữa bệnh của người dân.
Các trường hợp người cao tuổi đến khám, chữa bệnh nhưng không sử dụng các thiết bị điện tử thông minh cũng gặp vướng mắc trong việc tiếp cận VNeID.
Một số trường hợp khám, chữa bệnh liền kề ngày hôm sau (do bệnh diễn tiến nặng hơn) nhưng dữ liệu chưa được cập nhật trên hệ thống ứng dụng VNeID.
Người bệnh không sử dụng thẻ BHYT hoặc chưa tham gia BHYT, nếu đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD tại các cơ sở khám, chữa bệnh thì chưa được liên thông dữ liệu lên Sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNelD.
TP.HCM còn gặp khó khi áp dụng "số hóa" trong khám chữa bệnh |
Ngoài ra, phần mềm ASM (phần mềm thông báo lưu trú theo Đề án 06) chưa được tích hợp kết nối thông tin với Phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS) của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, dẫn đến việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn phải nhập thủ công thông tin từng bệnh nhân nội trú vào phần mềm ASM.
Cấp đổi giấy phép lái xe, xác thực căn cước, thi trực tuyến cũng gặp vướng
UBND TP.HCM còn cho hay, việc thực hiện Đề án 06 ở TP.HCM còn gặp khó trong thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Khi người dân sử dụng 2 Giấy phép lái xe ô tô và mô tô riêng biệt, trường hợp giấy phép lái xe môtô vi phạm an toàn giao thông đường bộ (hoặc ngược lại) thì hệ thống ghi nhận người lái xe bị tạm giữ giấy phép lái xe nhưng không xác định giấy phép đối với phương tiện nào vi phạm. Việc này dẫn tới khi nộp hồ sơ trực tuyến đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp, người dân không thể thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe theo quy định.
Vấn đề khác, theo Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính không có quy định về việc thu phí đối với việc xác thực thẻ căn cước, căn cước công dân gắn chíp, xác thực ảnh mặt. Việc này dẫn tới không thể thu phí đối với người đến thực hiện công chứng mà các văn phòng công chứng phải tự chi trả khoản phí này.
Trong khi đó, với phí dịch vụ xác thực thẻ căn cước, căn cước công dân, mức phí các văn phòng công chứng, chứng thực phải trả là hơn 9,3 triệu đồng/1.000 lần xác thực, tức quá cao.
Việc này dẫn đến một số văn phòng công chứng tại TP.HCM chưa đồng ý sử dụng thiết bị xác thực thẻ căn cước, căn cước công dân theo mô hình “Triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực”.
Một văn phòng công chứng tại TP.HCM |
Không chỉ vậy, việc nhân rộng mô hình thi trực tuyến tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử còn vướng mắc, do các kỳ thi từ cấp Tiểu học đến Trung học phổ thông đều đã có các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hình thức, cách thức tổ chức các kỳ thi.
Đối với mô hình xác thực thông tin giáo viên và học sinh, giải pháp của đơn vị cung cấp do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06- Bộ Công an) giới thiệu lại chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để khắc phục khó khăn, UBND TP.HCM kiến nghị với Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đaọ Bộ ngành liên qua sớm ban hành hướng dẫn các trường dữ liệu liên thông lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định Bảo hiểm y tế đối với đối tượng người bệnh không khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Bổ sung công cụ, chức năng phân quyền cho Thành phố để quản lý, theo dõi, khai thác, báo cáo, tổng hợp dữ liệu trên “Sổ sức khoẻ điện tử trên VnelD” và phân quyền cho Thành phố theo dõi, thống kê dữ liệu đã liên thông với Bảo hiểm xã hội và Bộ Công an.
Hiệu chỉnh Hệ thống tra cứu thông tin tạm giữ giấy phép lái xe được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia xác định được người dân đang vi phạm an toàn giao thông đường bộ đối với loại giấy phép lái xe nào nhằm đảm bảo người dân thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe ôtô đúng quy định; nâng cấp hệ thống phần mềm, liên thông dữ liệu công dân để hệ thống tự động cập nhật dữ liệu hiện hành khi người dân có sự thay đổi thông tin về căn cước; nghiên cứu các chương trình, chính sách hỗ trợ về kinh phí (hoặc giảm mức phí dịch vụ xác thực thẻ căn cước, căn cước công dân), trang thiết bị trong thời gian đầu cho các cơ quan, đơn vị sử dụng xác thực định danh điện tử từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi trong công tác vận động các cơ quan, đơn vị sử dụng.