Lợi ích từ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua làm giàu cho khối ngoại nhanh hơn so với làm giàu cho người dân trong nước |
TPP và tác động đối với dòng vốn đầu tư
Sau khi hoàn tất đàm phán TPP vào ngày 5/10, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, TPP sẽ tác động tích cực với tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, tính tới năm 2025, xuất khẩu sẽ tăng thêm 28%, tăng trưởng GDP có thể thêm 10% so với tình huống không có TPP (tạm tính thì nghĩa là bình quân mỗi năm tăng thêm hơn 2% xuất khẩu và gần 1% GDP).
Tất nhiên, những con số trên xuất phát từ những mô hình kinh tế với nhiều giả định mà khả năng thành hiện thực là rất thấp. Nhưng nó cho thấy, giới quan sát rất lạc quan với tác động của TPP ở Việt Nam.
Tờ Financial Times nhận xét rằng, lợi ích kép mà Việt Nam nhận được bao gồm: thâm nhập thị trường Mỹ dễ dàng hơn và buộc phải thực hiện cải cách để thoát khỏi tình trạng một nền kinh tế thiếu hiệu quả và tham nhũng còn nặng nề.
Với những lợi ích đó, Việt Nam nhiều khả năng sẽ thu hút thêm dòng vốn nước ngoài, dưới dạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các công ty sản xuất. Một số doanh nghiệp (DN) nước ngoài ở Hồng Kông khi trả lời phỏng vấn trên Financial Times và những trang tin điện tử khác đã khẳng định, họ tin rằng, đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng. Vốn FDI và hoạt động thương mại gia tăng sẽ tăng độ quen thuộc của nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam, do đó sớm muộn sẽ kéo theo dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.
Tuy nhiên, triển vọng gia tăng dòng vốn quốc tế vào Việt Nam không chỉ đem lại những thuận lợi, mà có còn có thể khuếch đại những rủi ro nội tại của nền kinh tế.
Lợi ích từ TPP dành cho ai?
Áp lực từ việc xóa bỏ thuế quan và không phân biệt đối xử với các DN trong nhóm nước tham gia TPP sẽ không chỉ nằm ở việc hàng hóa nội địa gặp nhiều cạnh tranh với hàng ngoại, mà còn ở chỗ DN nội có thể đầu tư sang một nước khác trong nhóm TPP như Singapore, nơi có môi trường kinh doanh thoải mái và minh bạch hơn, rồi mở chi nhánh sản xuất ở Việt Nam.
Khi đó, dòng vốn và nhân lực có chất lượng cao ở Việt Nam có xu hướng chuyển bớt ra các nước láng giềng cũng hưởng lợi từ TPP, nhưng có điều kiện kinh doanh tốt hơn như Singapore, trong khi dòng vốn đổ vào chủ yếu để tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có và nhân công còn tương đối rẻ.
Cộng với những ưu đãi cho DN FDI đang có và sự mở trói với các “room” đầu tư trên thị trường cổ phiếu, xu thế vốn ngoại ép vốn nội trên sân nhà, trong khi vốn nội có chất lượng chạy ra nước ngoài là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Những DN nhỏ và vừa của Việt Nam “sẽ càng trở nên nhỏ và siêu nhỏ” như dự đoán của chuyên gia Phạm Chi Lan.
Khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế được cấu thành chủ yếu bởi 3 thành phần: DN rất lớn có quan hệ với Nhà nước; DN tư nhân rất nhỏ, không có quan hệ, thiếu vốn và công nghệ và DN có phần lớn vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, thành phần thứ hai - các DN nhỏ và vừa (có nguy cơ trở thành nhỏ và rất nhỏ), là nội lực của bộ phận lớn người dân trong xã hội và có nguy cơ teo tóp dần. Còn thành phần thứ nhất, khu vực kinh tế dựa vào quan hệ và vốn mạnh sẽ càng phình to cùng với thành phần thứ ba.
Nếu điều này trở thành sự thật, dù dự đoán của WB về lợi ích từ TPP với tăng trưởng kinh tế trở thành sự thật, thậm chí là tốt hơn, thì lợi ích của nó cũng có thể hoàn toàn được hưởng thụ bởi một bộ phận nhỏ trong nền kinh tế. Đây là điều mà không ít kinh tế gia nước ngoài đã chỉ ra như một mặt trái của toàn cầu hóa: nới rộng khoảng cách giàu nghèo.
Một thước đo về phân bổ lợi ích của tăng trưởng kinh tế là chênh lệch giữa GDP (tổng thu nhập quốc nội) so với GNI (tổng thu nhập quốc dân, là một thước đo khác của khái niệm GNP). Hiểu nôm na thì GDP càng cao so với GNI có nghĩa là lợi ích kinh tế tạo ra ở Việt Nam mang lại nhiều lợi ích hơn cho DN nước ngoài hơn là trong nước.
Dữ liệu chênh lệch GDP so với GNI của Việt Nam từ năm 2006 tới 2014 cho thấy, khoảng cách này ngày càng mở rộng, từ mức 1,4 tỷ USD năm 2006 lên hơn 9,3 tỷ USD năm 2014 (theo số liệu GDP và GNI tính theo USD hiện hành của WB). Chênh lệch giữa GDP so với GNI theo đầu người cũng tăng hơn 250% (từ mức 77 năm 2006 lên 278 năm 2014, đã điều chỉnh cho sức mua dựa trên chuẩn đô la quốc tế 2011 của WB).
Những số liệu này cho thấy, lợi ích từ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua làm giàu cho khối ngoại nhanh hơn so với làm giàu cho người trong nước, phù hợp với những nhận định của nhiều chuyên gia trong nước.
Tình hình thực tế có thể tệ hơn, vì trong GNI của Việt Nam có một phần không nhỏ là do người Việt Nam tạo ra ở nước ngoài gửi về nước, nên phần nội lực thật sự của DN Việt Nam có thể còn nhỏ hơn quy mô GNI nhiều. Nếu tương lai, người nước ngoài ngày càng gửi nhiều thu nhập về nước họ, còn thu nhập của người Việt Nam tạo ra ở nước ngoài ít chuyển về hơn, thì con số chênh lệch GDP so với GNI càng mở rộng.
Vấn đề ở đây không chỉ là tăng trưởng kinh tế làm giàu cho DN nước ngoài hay trong nước, mà là sau TPP, sự bất cân xứng về cơ hội tiếp cận vốn giữa DN nhỏ với DN lớn, giữa khối nội và khối ngoại sẽ đặt DN nhỏ và vừa Việt Nam vào nguy cơ bị đào thải.
Khi đó, DN nhỏ thiếu vốn, thiếu mạng lưới quan hệ, khó thu hút nhân tài, lại phải cạnh tranh ngang sức với những tập đoàn hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và Singapore. Nó như một khối đá nữa đè lên các DN nhỏ vốn đã vất vả trước sức ép cạnh tranh hiện tại với các tập đoàn lớn nội địa giàu quan hệ và vốn với những DN FDI nhiều ưu đãi.
Kết quả là, sau một thời gian, người ta sẽ có thể nhận thấy thành quả của một Việt Nam hậu TPP sẽ không khác một Việt Nam hậu WTO: người dân sẽ tiếp tục đặt câu hỏi “tăng trưởng để làm gì?”. Cũng vì vậy mà không ít nhà kinh tế trên thế giới, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nghi ngờ, thậm chí phản bác lại những dự đoán về tác động tích cực của những hiệp định thương mại kiểu TPP đối với các nền kinh tế yếu hơn.
Dòng trạng thái Facebook khá hay của một người khi bình luận về chuyện Stiglitz có bài phản bác lợi ích TPP là “ông ấy không muốn người ta làm giàu”. Chính xác hơn, có lẽ nên là Stiglitz không muốn “chỉ có một bộ phận nhỏ càng giàu hơn sau TPP”.
Vì vậy, có một viễn cảnh hậu TPP là, Việt Nam sau 10-20 năm tham gia TPP là một nước chỉ có một số ít người giàu chiếm đại bộ phận thu nhập cả nước và chỉ có một số ít DN nội địa lớn mạnh bên cạnh các DN ngoại. Trong khi đó, phần lớn người dân còn lại làm thuê cho DN nước ngoài, các tập đoàn nội địa nhiều quan hệ hoặc chật vật duy trì DN siêu nhỏ của mình. Khi đó, tăng trưởng thêm 8 hay 10% cũng không khiến đại bộ phận người dân sống tốt hơn.
Những rủi ro từ việc phụ thuộc nhiều vào vốn ngoại
Có ai đó sẽ nói, nếu người Việt Nam ai cũng có thu nhập tốt hơn, làm giàu hơn, thì người dân có đi làm thuê cho nước ngoài hay không cũng không hẳn là một vấn đề lớn. Đâu phải chỉ Việt Nam, nhiều nền kinh tế đang phát triển đi theo một mô hình giống nhau là phụ thuộc nhiều vào vốn ngoại và đầu tư của chính phủ, giảm dần tỷ trọng đầu tư của tư nhân trong nước. Đó từng là hoặc vẫn là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Vậy thì có vấn đề gì đâu?
Trong một môi trường kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định và các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam tăng trưởng nhanh, thì đó không phải là một vấn đề, thậm chí còn là chuyện tốt.
Tuy nhiên, những vấn đề gần đây tại những nền kinh tế đang phát triển chỉ ra một nguy cơ của mô hình đó: phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngoại dẫn đến sự bất ổn lớn với kinh tế vĩ mô khi thị trường tài chính quốc tế mất ổn định. Chẳng hạn, tình trạng kinh tế của Ireland hay Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua cho thấy, sức khỏe của toàn nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào quyết định của giới đầu tư nước ngoài, thì sẽ tạo ra những khó khăn không thể lường trước khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Vốn ngoại rút đi hoặc công ty nước ngoài cắt giảm đầu tư, cộng với sự đảo ngược dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu chính phủ ở các nền kinh tế đang phát triển đẩy nhiều nước vào khủng hoảng kinh tế hoặc chí ít là suy thoái. Sau nhóm các nước tăng trưởng nhanh ở Đông Á và nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, các quốc gia tăng trưởng nhanh ở châu Phi đang ở trong nguy cơ tương tự.
Với tỷ lệ nợ nước ngoài (cả nợ công và nợ tư nhân) ngày một tăng lên của Việt Nam, cộng với tầm quan trọng của tỷ trọng FDI trên cán cân thanh toán và sự mở cửa hơn nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại. Trong bối cảnh đó, khi thị trường tài chính toàn cầu gặp những cú sốc lớn khiến dòng vốn quốc tế biến động mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng dễ tổn thương.
Một cú sốc khiến vốn ngoại ngưng vào hoặc chảy ra sẽ tác động khó lường tới sức ép phá giá ngoại tệ và sự ổn định của hệ thống tài chính. Ngược lại, sự đổ vào nhanh chóng của vốn ngoại sẽ làm tăng bong bóng bất động sản, tài sản tài chính và đẩy giá VND lên như những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2006-2008.
Vì vậy, giúp khối DN tư nhân nhỏ và vừa ở Việt Nam có nội lực đủ lớn, thì khi vốn ngoại có rút đi, vốn nội cũng có thể thay thế, mua lại tài sản vốn ngoại bán ra để giảm sốc cho nền kinh tế. Những nhà điều hành thị trường chứng khoán tất yếu hiểu rõ hơn ai hết việc phụ thuộc vào vốn ngoại và vốn vay đã gây ra tổn hại với tài sản và niềm tin của nhà đầu tư nội như thế nào trong mấy năm qua. Cả nền kinh tế không thể lập lại hình ảnh của thị trường chứng khoán giai đoạn vừa rồi.
Lời kết
Mối quan hệ giữa thương mại và đầu tư từ lâu gắn chặt với nhau. Với những thị trường mà tỷ trọng khu vực sản xuất dựa trên nhân công giá rẻ và xuất khẩu nguyên liệu thô lớn như Việt Nam, càng mở rộng những thỏa thuận thương mại tự do, thì nhiều khả năng dòng vốn đầu tư quốc tế sẽ theo dòng thương mại mà đổ vào. Một trong những trọng tâm chính sách phải là làm sao để dòng vốn đó mang lại nhiều lợi ích nhất mà đặt ra ít rủi ro nhất cho nền kinh tế.
TPP không nằm ngoài khuôn khổ đó. Việc Việt Nam tham gia TPP không chỉ liên quan đến các vấn đề về thương mại và sức cạnh tranh, mà còn là về tăng trưởng kinh tế, dòng vốn đầu tư và sự phân bố không đều của lợi ích TPP với các đối tượng trong nền kinh tế. Điều đáng sợ sẽ là, sau khi gia nhập TPP, thì Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại. Khi đó, nền kinh tế sẽ dễ tổn thương bởi biến động của dòng vốn ngoại hơn và sẽ thường xuyên vật lộn với những cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, lợi ích của TPP mang đến có thể tập trung vào một số ít cá nhân và tổ chức giàu có, có quan hệ rộng, trong khi rủi ro sẽ đè nặng lên các DN nhỏ và vừa, khiến chúng trở nên siêu nhỏ. Một nền kinh tế mà vài người khổng lồ nội địa và số đông DN ngoại hưởng lợi trong khi một lượng lớn DN nội địa siêu nhỏ chật vật để tồn tại chẳng những dễ gặp bất ổn về vĩ mô, mà còn khiến lợi ích TPP mang lại không tạo ra tác động lan tỏa cho nền kinh tế.
Vì vậy, vai trò điều tiết của Nhà nước không phải là can thiệp vào hoạt động của DN, mà là trở thành một người lập luật chơi nội địa thông minh, vừa đúng luật chơi của TPP, vừa tạo ra môi trường kinh doanh đủ để nội lực của kinh tế tư nhân nhỏ và vừa không bị ngoại lực và các tập đoàn nhiều tiền, nhiều quan hệ lấn át.