Đầu tư
Trả giá cao nếu chậm đầu tư Sân bay Long Thành
Hà Quang - 05/06/2015 08:43
Đại biểu Quốc hội đề nghị, giai đoạn I của Cảng hàng không quốc tế Long Thành cần phải hoàn trước năm 2025 để “chia lửa” cho Sân bay Tân Sơn Nhất cũng như tránh sự tắc nghẽn cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lo trở tay không kịp

Những ý kiến được trông đợi nhất trong buổi thảo luận về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Hội trường Quốc hội ngày hôm qua (4/6) thuộc về những người đại diện cho các cử tri 2 địa phương là Đồng Nai - nơi người dân phải di dời để lấy mặt bằng xây dựng dự án và TP.HCM - nơi đề xuất đầu tư dự án.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Dự án Sân bay quốc tế Long Thành sẽ được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn. Ảnh: Đức Thanh

 

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) cho biết, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được đề cập từ những năm 80 của thế kỷ trước và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg ngày 24/10/1997. Thực tế, mấy chục năm qua, hàng ngàn người dân trong khu vực dự án phải sống trong tình trạng “treo”. Các công trình xây dựng, hạ tầng... của địa phương đều bị tắc do vướng quy hoạch.

“Cái giá mà kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai phải trả vì việc dự án chậm triển khai là vô cùng lớn và sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân, nếu chủ trương đầu tư xây dựng dự án tiếp tục kéo dài”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Đại diện cho tiếng nói cử tri khu vực TP.HCM, đồng thời là người trực tiếp tham gia quy hoạch Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cần một sân bay tầm cỡ, chứ không phải là Sân bay Tân Sơn Nhất đang rơi vào cảnh cơi nới hiện tại, nhằm tận dụng cơ hội để đột phá mà ông và những người cùng thời khi tham gia xây dựng quy hoạch Vùng vào những năm 90 của thế kỷ trước đã đặt kỳ vọng.

“Tôi là người rất lo lắng về nợ công. Nhưng nếu cần thì vay nợ cũng phải làm vì khi hạ tầng cả vùng quá tải thì sẽ trở tay không kịp. Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp này, đề nghị Chính phủ thúc đẩy đầu tư sớm, giai đoạn I phải hoàn thành trước năm 2025 với năng lực phục vụ 25 triệu lượt khách/năm để chia sẻ với Sân bay Tân Sơn Nhất, tránh tắc nghẽn cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”, ông Lịch nói.

Phân kỳ đầu tư phù hợp

Về cách thức triển khai đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng cho biết, Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I xây dựng một đường hạ cất cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu lượt khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD. Giai đoạn I dự kiến triển khai từ năm 2018 đến 2025 (phấn đấu hoàn thành sớm, dự kiến khoảng năm 2022).

Giai đoạn II đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn này dự kiến có tổng mức đầu tư 4 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035.

Giai đoạn III (dự kiến triển khai trong giai đoạn 2040 - 2050) hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu lượt khách/năm và 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm theo mục tiêu quy hoạch. Tổng mức đầu tư giai đoạn này dự kiến là 6,6 tỷ USD.

“Dự kiến sử dụng vốn theo từng năm trong giai đoạn triển khai Dự án (tạm tính từ năm 2016 đến 2026) từ phần vốn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA cho thấy, tác động của các khoản vay đối với GDP là không lớn (0,2 - 0,3% GDP) và tác động đến nợ công không đáng kể”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo tính toán của Hội đồng Thẩm định Nhà nước thì tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội, nên Dự án có tính khả thi cao. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả nước nói chung và Khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, với cửa ngõ là khu vực TP.HCM, hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc. Với nhu cầu vận tải tăng cao, năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã khai thác đạt công suất thiết kế 20 triệu lượt hành khách/năm, hiện đang được cải tạo, mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. Do vậy, việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đồng thời hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

“Long Thành thực sự là nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thực hiện dự án đặc biệt có ý nghĩa này”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác