Điểm nóng
Trả hồ sơ, làm rõ trách nhiệm nhiều cán bộ vụ "dìm" giá đất Đông Anh
Huệ Nguyễn - 22/04/2024 17:01
Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung nhiều nội dung cựu Chủ tịch Vimedimex kêu oan; đồng thời đề nghị xem xét diện truy tố với một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước.

Chiều 22/4, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Các nội dung Hội đồng xét xử đề nghị điều tra bổ sung gồm: giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và xác minh tài liệu liên quan đến Điều tra viên Bùi Đức Hiếu; Xem xét lại hành vi và tội danh của bị cáo Trần Công Tuyên; Xem xét lại hành vi và tội danh của bị cáo Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê; Xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; và xem xét, làm rõ quy trình thẩm định và ban hành chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Định giá VNG Việt Nam.

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.

Sau 3 ngày xét xử, Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ "dìm" giá đất đấu giá tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Cùng tội danh trên, Viện Kiểm sát cũng truy tố Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Vimedimex; Tạ Thị Vân, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Bắc Từ Liêm; Nguyễn Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Mỹ Đình; Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và Giải phóng mặt bằng (thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh); Vương Thị Thu Thủy, chuyên viên Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh.

Liên quan tới đơn vị thẩm định giá, Nguyễn Thị Diệu Linh, Tổng giám đốc; Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc; Nguyễn Đức Phương, Thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội cũng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Ngoài ra, bị can Bùi Thanh Huyền, cựu Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Nguyễn Thị Cẩm Lê, cán bộ sở này bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, phiên tòa được mở ngày 17/4, sau 3 ngày xét hỏi và tranh luận, Viện Kiểm sát đã đề nghị tuyên án toàn bộ 11 bị cáo trong vụ án được hưởng án treo, với các mức án từ 9 tháng đến 36 tháng.

Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Thị Loan và Trần Công Tuyên phản bác cáo buộc, cho rằng bản thân bị oan. Luật sư của bị cáo Loan cũng đã cung cấp cho Tòa hơn 80 bộ hồ sơ, tài liệu để chứng minh thân chủ không phạm tội, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát làm rõ nhiều nội dung.

Bị cáo Loan khai, trong hồ sơ vụ án có đến 20 bút lục là giả, có nội dung cắt ghép; hơn nữa, một điều tra viên tên là Bùi Đức Hiếu không thực hiện hỏi cung, nhưng lại có chữ ký trong các biên bản hỏi cung. Từ đó, bị cáo Loan đề nghị Hội đồng xét xử giám định lại các bút lục này, kể cả về nội dung và chữ ký.

Liên quan tới cáo buộc chỉ đạo 3 công ty cách thức bỏ giá khi tham gia đấu giá, cựu Chủ tịch Vimedimex nhiều lần khẳng định chỉ sở hữu 20% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Mỹ Đình, Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Thanh Trì.

Do đó, đây không phải là các công ty của riêng bị cáo, bị cáo không chỉ đạo các công ty này tham gia đấu giá, trả giá và thông đồng để dìm giá đất, mà chỉ đồng ý cho các công ty trên tham gia đấu giá dự án Cổ Dương.

Cả 11 bị cáo trong vụ án bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 9 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo.

Thêm vào đó, bị cáo cũng cho rằng, nội bộ doanh nghiệp “có vấn đề”, và có dấu hiệu thông đồng, lập khống các phiếu thu, chi nhằm buộc trách nhiệm sau phạm, đẩy bị cáo vào vòng lao lý nhằm chiếm đoạt các tài sản của công ty.

Ngoài ra, bị cáo Loan cũng đánh giá, hành vi "dìm” giá đất của một số cán bộ huyện Đông Anh và đơn vị thẩm định giá, hoàn toàn không liên quan tới việc doanh nghiệp tham gia đấu giá tài sản, do đó không thể quy kết bị cáo gây thiệt hại như Viện Kiểm sát cáo buộc.

"Đề nghị hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, để có kết luận đúng người, đúng tội, không oan sai, không bỏ lọt tội phạm, bị cáo Loan nói.

Trong khi đó, bị cáo Trần Công Tuyên, cựu Trưởng phòng thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh cho rằng, bản thân không có chuyên môn về xác định giá đất nên mới thuê đơn vị tư vấn, thực hiện thẩm định giá để có cơ sở tham mưu sao cho sát thực tế nhất, với mục đích để dự kiến nguồn thu ngân sách.

Bị cáo Tuyên cho rằng, thẩm quyền lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá và phê duyệt giá khởi điểm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban quản lý dự án và bản thân bị cáo không có nhiệm vụ này, cũng không tham gia quá trình phê duyệt, nên không thể có chuyện tác động vào quyết định mức giá khởi điểm.

Tại tòa, một số luật sư cũng cho rằng, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá khu đất liên quan vụ án này thuộc thẩm quyền của Hội đồng định giá đất cụ thể thành phố Hà Nội, tuy nhiên, giá đất khởi điểm đã được xác định thấp hơn nhiều giá trị thực tế, hậu quả là gây thất thoát ngân sách Nhà nước 135 tỷ đồng.

Do đó, việc cơ quan tố tụng chỉ khởi tố, truy tố với một số cá nhân vi phạm trong quá trình đề xuất, thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá; còn đối với những cá nhân là thành viên trong Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể Thành phố là những người có thẩm quyền quyết định giá đất khởi điểm đấu giá và là người chịu trách nhiệm trước quyết định của mình lại không bị khởi tố, điều tra, là không phù hợp.

Các thành viên của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể là người có chức vụ, quyền hạn và có quyền quyết định về giá đất khởi điểm để đưa ra đấu giá, nhưng đã thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn, do đó, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.

Tin liên quan
Tin khác