Hướng đi đã mở cho KCN Lai Vu, khi theo tin từ UBND tỉnh Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bàn giao KCN này về địa phương quản lý, sau một thời gian dài dằng dai, chuyển từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), mà vẫn dang dở, dở dang.
| ||
Khó khăn trong việc triển khai KCN Lai Vũ bước đầu đã được tháo gỡ. Ảnh: Mạnh Thắng |
Một cuộc họp giữa lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương và các sở, ngành, địa phương về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng được tổ chức mới đây. Và theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, nửa cuối tháng 11/2013, sẽ tiến hành thi công tường rào KCN.
“Tỉnh sẽ khẩn trương tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến KCN Lai Vu để tiếp tục thi công hạ tầng KCN”, ông Hiển nói.
Quyết tâm này, trên thực tế, đã nhiều lần được UBND tỉnh Hải Dương khẳng định. Trong cuộc họp báo về tình hình triển khai KCN Lai Vu cách đây 3 tháng, chính ông Hiển cũng đã nhấn mạnh, 10 năm qua, KCN Lai Vu chưa thể hoàn thành việc xây dựng, đất để đấy, không có nhà máy hoạt động, không thu hút được lao động, gây lãng phí lớn. Vì thế, Hải Dương phải làm bằng được KCN Lai Vu.
Vào thời điểm đó, Hải Dương cũng đã lên kế hoạch để Công ty TNHH May Tinh Lợi và Công ty TNHH Dệt Pacific Crystal (thuộc Tập đoàn Dệt may Crystal - Hồng Kông) và Công ty TNHH một thành viên KCN Lai Vu triển khai xây dựng tường rào KCN sau ngày 25/8/2013, sau đó tiếp tục tiến hành đầu tư hạ tầng KCN.
May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal là hai doanh nghiệp sẽ đầu tư hai dự án có tổng vốn đầu tư trên 557 triệu USD tại KCN Lai Vu, đồng thời là nhà đầu tư mong muốn được đầu tư hạ tầng KCN này. Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch tạm dừng, vì Hải Dương muốn chờ quyết định cuối của Thủ tướng Chính phủ xung quanh dự án này.
Nay, hướng đi đã có. Như vậy, sau gần 10 năm “ở” với Vinashin và 3 năm gắn bó với PVN, KCN Lai Vu sẽ được trả về cho địa phương quản lý.
“Đây là giải pháp tốt nhất. Ba năm qua, chúng tôi đã làm hết sức mình mà không có kết quả”, ông Đặng Cao Sơn, Chủ tịch Công ty Lai Vu thẳng thắn.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc chuyển giao KCN Lai Vu về UBND tỉnh Hải Dương ra sao còn phải chờ hướng dẫn từ các bộ, ngành trung ương, vì dự án này liên quan đến vốn đầu tư của Nhà nước.
“Trả KCN Lai Vu về địa phương, coi như chúng tôi đã thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành”, ông Sơn nói và cho biết, quá trình chuyển giao có thể có những phát sinh liên quan đến khoản nợ gần 23 triệu USD (chưa tính lãi vay ngân hàng và phạt chậm trả theo hợp đồng) mà các đơn vị thuê đất trong KCN thuộc Vinashin chưa trả Công ty Lai Vu từ năm 2007 tới nay.
Hiện có 9 đơn vị trực thuộc Vinashin đã đầu tư và triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh trong KCN. Tính đến cuối năm 2010, các đơn vị thuê đất trong KCN thuộc Vinashin đã đầu tư vào đây khoảng 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp còn hoạt động cầm chừng, số còn lại đều không có khả năng thanh toán do khó khăn về tài chính và ngừng sản xuất.
“Trong thời gian chờ hướng dẫn bàn giao, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục phối hợp các bên để xây dựng tường rào KCN, để bảo vệ các nhà đầu tư”, ông Sơn cho biết.
Như Báo Đầu tư đã thông tin, sau khi nhận chứng nhận đầu tư vào KCN Lai Vu, May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal đã nhiều lần lên kế hoạch xây dựng nhà máy, nhưng không thể thực hiện do người dân liên tục ngăn cản.
Tuy nhiên, thông tin từ UBND tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai việc chuẩn bị thi công một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật KCN và nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân xã Lai Vu.
Việc Thủ tướng Chính phủ mới đây quyết định thay vì hỗ trợ mặt bằng (12 ha) để phát triển dịch vụ, sẽ hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân có diện tích đất thu hồi cũng được cho sẽ có lợi cho người dân.
Khó khăn bước đầu đã được tháo gỡ, song tương lai của KCN Lai Vu ra sao còn chờ đợi vào quá trình chuyển giao Dự án, quyết định lựa chọn nhà đầu tư mới, cũng như sự ủng hộ của người dân.
Hà Nguyễn