Chuyển đổi số - Kinh tế số
Trà Vinh chuyển đổi số hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh
Huy Tự - 10/10/2022 17:30
Trà Vinh đang đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Chuyển đổi số cũng giúp tỉnh thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh tham quan mô hình chuyển đổi số nuôi trồng thủy sản của Tập đoàn Mỹ Lan Ảnh: Văn Vũ

Phát huy hiệu quả chính quyền thân thiện và phục vụ

Chỉ số Đánh giá chuyển đổi số (DTI) là thước đo mức độ chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. DTI cấp tỉnh năm 2021 được đánh giá gồm 9 chỉ số chính, 98 chỉ số thành phần.

Theo Sở Thông và Truyền thông tỉnh Trà Vinh, năm 2021, Trà Vinh đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 8 bậc so với năm 2020) và thứ 6/13 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về xếp hạng DTI. Trong đó, có một số chỉ số thành phần đạt hạng tốt, như chính quyền số, xã hội số, hạ tầng số, an toàn thông tin mạng...

Tỉnh đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện chỉ số hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin theo Chương trình số 15-CTr/TU ngày 31/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và 1 doanh nghiệp truyền hình cáp, sẵn sàng cung ứng đa dạng các dịch vụ phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Mạng truyền dẫn cáp quang được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 1.208 trạm BTS (trong đó, 86,18% là trạm 4G); tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 58%; tỷ lệ dân số được phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%...

Đến nay, Trà Vinh đã xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh, có chức năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực; hỗ trợ các cơ quan khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính. Kho dữ liệu đang tích hợp dữ liệu của người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, hồ sơ, cán bộ, công chức, viên chức, thông tin và truyền thông...

Về phát triển nền tảng số, Trà Vinh tổ chức triển khai kết nối, sử dụng hiệu quả các nền tảng số quy mô quốc gia. 9 hệ thống đã hoàn thành kết nối qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, gồm: cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia về bảo hiểm; CSDL đất đai quốc gia; CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển chính phủ điện tử và hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Cùng với đó, Trà Vinh đã triển khai đưa vào áp dụng nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ công tác nội bộ của cơ quan, đơn vị, như: iOffice, thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình, ISO điện tử…

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp

Trà Vinh hiện có 115 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh các sản phẩm phần cứng (máy tính, máy in, các linh kiện điện tử…). Một số doanh nghiệp sản xuất gia công, cung cấp sản phẩm, dịch vụ phần mềm và nội dung số, nhưng quy mô còn nhỏ, số lượng lao động ít.

Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình Xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số; Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025.

Về đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT), Trà Vinh đã xây dựng sàn giao dịch TMĐT của tỉnh (www.travinhtrade.vn) để cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước cùng những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Đến nay, đã có 122 doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT của tỉnh với 627 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, toàn tỉnh đã có 66.343 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng trên sàn các sàn TMĐT với 1.073 loại sản phẩm được quảng bá, giới thiệu.

Tỉnh đã thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số” với mục tiêu giúp nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh phát triển TMĐT trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Trà Vinh đã xây dựng ứng dụng thông tin quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của tỉnh (thực hiện thí điểm năm 2021 - 2022) và hỗ trợ giao dịch trên sàn Nông sản sạch Azuamua.com.

Đặc biệt, Trà Vinh thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, như y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông - vận tải, logistics, thương mại, công nghiệp và năng lượng… với nhiều ứng dụng hiệu quả.

Cùng với đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tỉnh tiếp tục triển khai Ứng dụng di động Smart Trà Vinh, có chức năng tích hợp, liên kết để cung cấp các ứng dụng chuyển đổi số trên thiết bị di động (đang trong quá trình kiểm thử). Đến nay, 100% UBND cấp huyện, xã đã triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng.

Tiếp tục nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 

Năm 2021, Trà Vinh xếp thứ 51 trên bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả nước; xếp thứ 10/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đạt 62,03 điểm, giảm 3 bậc và giảm 0,41 điểm so với năm 2020, thuộc nhóm điều hành trung bình.

Cụ thể, có 4 chỉ số thành phần PCI tăng điểm và tăng hạng so với năm 2020, là chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 6 chỉ số giảm điểm và giảm hạng, là gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh.

Tuy PCI năm 2021 giảm 3 bậc so với năm 2020, nhưng nền tảng kinh tế của tỉnh có liên quan đến các chỉ số thành phẩn vẫn ổn định và phát triển. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, chuỗi cung ứng hàng hóa của tỉnh không bị đứt gãy; tiềm năng kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khả quan…

Năm 2022, Trà Vinh phấn đấu PCI đạt từ 64 điểm trở lên, tăng ít nhất 3 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2021.

“Nhằm nâng cao PCI, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành và địa phương sớm tổ chức quán triệt, nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị trong thực hiện tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư; đưa nhiệm vụ tham mưu công tác về cải thiện PCI là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan hằng năm”, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh chia sẻ.

Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể, tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan dự thảo, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia và ngày Chuyển đổi số của tỉnh năm 2022; các quy chế quản lý, vận hành, sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục phát triển hạ tầng số trên 3 lĩnh vực: bưu chính, viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; phối hợp triển khai các hoạt động kết nối, tích hợp các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành...

Đồng thời, tiếp tục hoàn thành kết nối 4 nền tảng số, CSDL quốc gia, gồm: CSDL quốc gia về dân cư; nền tảng tiêm chủng Covid-19, liên thông tài nguyên môi trường - thuế, hệ thống mã bưu chính Vpostcode và hệ thống thông tin do bộ, ngành triển khai; bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Về phát triển chính quyền số, tỉnh sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin, gồm: hệ thống phản ánh hiện trường; hệ thống khai thác kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát nâng cấp, hoàn thiện chức năng các hệ thống thông tin dùng chung đã được đầu tư phù hợp yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức rà soát, chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu, đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được nâng lên mức độ 4.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong nước, quốc tế và nghiên cứu - phát triển về kinh tế số, xã hội số; chú trọng hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số… Cùng với đó, có kế hoạch cụ thể phát triển nền tảng số, dữ liệu số, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng, phát triển nhân lực số, công dân số, văn hóa số, doanh nghiệp số và thanh toán số. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ.

Tin liên quan
Tin khác