Đầu tư
Trà Vinh phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tăng sức cạnh tranh
Huy Tự - 14/10/2024 10:14
Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nguồn lực chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế bền vững. Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp đã và đang được triển khai tại địa phương, mang lại nguồn lợi, giá trị kinh tế cao và sinh kế, thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và các đối tác tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm than hoạt tính từ gáo dừa của Công ty cổ phần Trà Bắc

Hiệu quả kinh tế nổi trội từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Tuy Trà Vinh chưa có vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một số sản phẩm hàng hóa có lợi thế làm tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất, cải thiện, nâng cao thu nhập của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh hiện có trên 29.753 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 9.742 ha sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động; gần 13 ha ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh; gần 8.722 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; hơn 11.000 ha nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh; 433 ha nuôi nghêu đạt chứng nhận ASC.

Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, như nuôi cấy phôi thực vật nhân cây giống sạch bệnh (dừa sáp), phân bón nano, hệ thống quan trắc ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động, bẫy côn trùng thông minh phục vụ công tác dự tính, dự báo sâu bệnh... đã mang lại hiệu quả đáng kể.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2025

- Đóng góp 23,75% GRDP toàn tỉnh

- Cơ cấu giá trị sản xuất nội ngành: trồng trọt, chăn nuôi chiếm 58,79%; thủy sản chiếm 40,23%; lâm nghiệp chiếm khoảng 1%
- Tốc độ tăng năng suất lao động nông - lâm - thủy sản đạt 5 - 6%/năm
- Giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 145 triệu đồng/ha
- Giá trị sản xuất bình quân đất mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 380 triệu đồng/ha
- Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 10%/năm
- Diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ chiếm 3 - 5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp

Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học trong việc bình tuyển, chọn lọc, lai cải tạo các giống gia súc lớn, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải thiện giống bò, heo; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng bộ

KIT để phát hiện chất cấm Salbutamol trên đàn gia súc và sử dụng vắc-xin để phòng, trị bệnh trên gia súc, gia cầm...

Hiện toàn tỉnh có 1.041 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có nhiều trang trại quy mô lớn; 22 cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết của Công ty C.P Việt Nam, Công ty Emivest và Công ty Greenfeed.

Đặc biệt, Công ty cổ phần Trà Bắc đã đưa các sản phẩm từ trái dừa Việt Nam có chất lượng và công nghệ cao với thương hiệu Trabaco thâm nhập, ổn định và phát triển thị phần trên trường quốc tế, tạo nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, nhất là người trồng dừa. Công ty cổ phần Trà Bắc là nhà sản xuất than hoạt tính từ than gáo dừa hàng đầu Việt Nam và  thế giới, công suất 6.000 - 7.000 tấn/năm, xuất khẩu tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch mạnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường, nhất là các thị trường cao cấp. Năng suất, sản lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế được nâng cao, một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Mối liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học được hình thành, bước đầu tạo chuỗi sản xuất cho các sản phẩm nông nghiệp.

Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 155 triệu đồng/năm (tăng 19,2 triệu đồng/ha), lợi nhuận bình quân đạt khoảng 60 triệu đồng/ha. Giá trị sản xuất/ha đất nuôi trồng thủy sản đạt 410 triệu đồng/năm (tăng 77,9 triệu đồng/ha), lợi nhuận bình quân đạt khoảng 105 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 53 triệu đồng, tăng gấp 1,85 lần so với năm 2013. Từ đó, thay đổi nhận thức và làm chuyển biến rõ nét từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đóng góp thiết thực vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Trà Vinh

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, khoa học - công nghệ đóng vai trò rất lớn vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0…, triển khai một số đề tài nghiên cứu khoa học, đóng góp thiết thực vào Chương trình Xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả bền vững

Trà Vinh hiện có khoảng 11.014 ha nuôi tôm nước lợ áp dụng công nghệ nuôi thâm canh, trong đó có khoảng 1.107 ha nuôi theo hình thức thâm canh mật độ cao. Trên địa bàn tỉnh có 1 doanh nghiệp sản xuất cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5 ha.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt cao hơn cùng kỳ. Đặc biệt, nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao tiếp tục tăng về diện tích và sản lượng, đạt 162.349 tấn, tăng 4.400 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi đạt 130.268 tấn, khai thác đạt 32.081 tấn. Ngoài diện tích nuôi truyền thống, nuôi tôm công nghệ cao phát triển khả quan.

Người dân Trà Vinh bắt đầu nuôi tôm từ đầu năm 1990, thời gian đầu chủ yếu theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Đến năm 2000, sau khi Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển các trại sản xuất giống và nuôi thâm canh cùng với sự ra đời của mạng lưới hậu cần dịch vụ, thì nuôi thâm canh tôm sú bắt đầu phát triển.

Qua gần 25 năm, với quyết tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân, đến nay, nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Trà Vinh đang phát triển theo xu thế chung của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích, sản lượng và giá trị đều tăng từng năm, góp phần nâng thu nhập bình quân và đời sống của người dân.

Phong trào nuôi tôm công nghệ cao hình thành và phát triển từ năm 2017, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Đến năm 2023, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao đạt 1.100 ha, sản lượng 35.438 tấn, chiếm 39,4% sản lượng tôm nước lợ, 46,3% sản lượng tôm thẻ chân trắng, năng suất đạt 45 - 60 tấn/ha/vụ. Năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm công nghệ ngày càng tăng, nên có thêm nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư...

Bên cạnh thuận lợi, hiện ngành tôm của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn như hạ tầng giao thông, thủy lợi... phục vụ nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào (giống, thức ăn, thuốc…) chưa ổn định, quy hoạch diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh chưa đồng bộ. Môi trường nuôi một số nơi bị ô nhiễm, xuất hiện dịch bệnh khó xử lý, công tác liên kết sản xuất còn hạn chế...

Tỉnh Trà Vinh quyết tâm đưa ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 23/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu “tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chuỗi giá trị, hiện đại và bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường”… trong 5 năm (2019 - 2023) về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Hiện có 23 hộ nuôi tôm được chứng nhận sản xuất tốt (VietGAP và tương đương) với diện tích 7 ha

Thu hút đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao bền vững

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2024 của Tỉnh ủy Trà Vinh đánh giá, kinh tế Trà Vinh tiếp tục tăng trưởng ổn định, có 2 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tỉnh đã tổ chức thành công Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh, Tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè và các sự kiện lớn.

Thời gian qua, tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp để nâng cao chất lượng điểm số, thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index; đôn đốc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai 4 dự án điện gió còn lại và Dự án Khu bến tổng hợp Định An, Nhà máy Sản xuất Hydro xanh, hạ tầng Khu công nghiệp Cổ Chiên... Giải ngân các nguồn vốn ước đạt 62,1%.

GRDP tỉnh Trà Vinh trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 9,78% - mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tổng thu ngân sách đạt 13.637 tỷ đồng, đạt 99,82% kế hoạch. Lãnh đạo tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo các cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chủ động tham mưu, đề xuất, thực hiện quyết liệt để đạt các chỉ tiêu năm 2024 ở mức cao nhất.

Trà Vinh xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích, phát triển bền vững trên 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Đổi mới khoa học và công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành tôm thông qua kêu gọi nhà đầu tư xây dựng vận hành 3 mô hình nuôi tôm điển hình, gồm: khu nuôi tôm công nghệ cao (360 ha), khu nuôi tôm lúa đạt chứng nhận hữu cơ (750 ha), khu nuôi tôm rừng đạt chứng nhận sinh thái (678 ha); xây dựng ít nhất 1 nhà máy chế biến tôm công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm.

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, thống nhất chủ trương cho ngành nông nghiệp lập Đề án Phát triển trồng trọt đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; trong đó lồng ghép phân bố vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố với bố trí giống cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển hợp tác xã, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi, trọng tâm là liên kết giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp cung ứng tiêu thụ nông sản; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới được hưởng các ưu đãi của Luật Công nghệ cao.

Thứ ba, tiếp tục phát huy các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo hướng hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm; thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư, nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ và đẩy mạnh hoạt động truyền thông nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.

Tin liên quan
Tin khác