Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải đề nghị phê bình các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ để có biện pháp xử lý phù hợp. |
Rõ ràng, đã đến lúc, cần sự vào cuộc với trách nhiệm cao hơn của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương để giải ngân vốn đầu tư công thực sự đạt được những tiến bộ tích cực.
Lần trước, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức vào đầu tháng 4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ phê bình 34 bộ, ngành, địa phương khi đến cuối tháng 3/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch được giao và 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Danh sách lần này “ngắn” hơn, chỉ còn 17 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, trong khi trên thực tế, cũng còn tới 18 bộ, ngành, địa phương còn chưa phân bổ hết vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021, nên đến nay, nhiều dự án vẫn đang phải làm các thủ tục đầu tư để được giao kế hoạch hằng năm. Thế nên, việc vẫn còn bộ, ngành, địa phương chưa thể phân bổ hết vốn được giao là điều dễ hiểu. Nhưng chưa giải ngân được đồng nào lại là câu chuyện khác.
Có những nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan, như mặt bằng, như giá cả nguyên vật liệu tăng cao…, nhưng cũng không thể chối bỏ những nguyên nhân chủ quan, đến từ sự chưa quyết liệt vào cuộc của những người đứng đầu.
Thế nên, trong hàng loạt giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Khi giao nhiệm vụ cho 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu phải xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu…
Năm nay, trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công còn nặng nề hơn những năm trước, bởi ngoài số vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm, còn ngân khoản lớn (113.000 tỷ đồng) từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được chia ra sử dụng trong hai năm 2022 - 2023. Nếu ngay cả giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch năm còn chậm, thì làm sao có thể kỳ vọng đẩy nhanh nguồn lực từ Chương trình?
Bởi thế, hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bộ, ngành, địa phương, mà trách nhiệm trước tiên thuộc về những người đứng đầu. Nếu bộ, ngành, địa phương nào không thể sớm phân bổ hết nguồn lực, hoặc điều chuyển được cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn, thì cần mạnh dạn và sẵn sàng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu.
Ngay cả với vốn ngân sách địa phương, cũng cần dứt khoát điều chuyển vốn cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu rà soát, đề xuất các dự án cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, thì các bộ, ngành, địa phương hãy chọn các dự án thật sự cấp thiết và có hiệu quả, để đảm bảo tập trung vốn, mà không bố trí dàn trải, manh mún. Hiện nay, danh mục này đang được rà soát lại.
Chỉ cần một bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Chỉ cần mỗi bộ, ngành, địa phương “tham” dự án để đề xuất nhiều, rất có thể, ngân khoản của Chương trình sẽ bị phân mảnh, dẫn tới kém hiệu quả.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cần sự vào cuộc với trách nhiệm cao của lãnh đạo các, bộ ngành, địa phương. Nhưng không phải chỉ là “trách nhiệm” với riêng ngành mình hay địa phương mình, mà còn là “trách nhiệm” với đại cục, với sự phát triển chung của đất nước.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ gây lãng phí nguồn lực, mà còn cản trở tiến trình phục hồi của nền kinh tế!