Lợi nhuận vẫn suy giảm, dù doanh thu bật tăng trở lại
Sau một năm 2023 ghi nhận kết quả kinh doanh suy giảm, trong 7 tháng đầu năm 2024, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã xuất hiện tín hiệu hồi phục. Trong đó, theo dữ liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 7 tháng, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1,09 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, Agromonitor cho biết, kim ngạch xuất khẩu cá tra hồi phục trong nửa đầu năm 2024 với sự hỗ trợ từ mức tăng sản lượng của tất cả thị trường, nổi bật nhất là thị trường Mỹ. Trong đó, sản lượng tăng trưởng, nhưng giá bán vẫn duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ ở tất cả thị trường.
Thực tế, nếu xét kỹ báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của các doanh nghiệp sản xuất cá tra, việc giá bán không cải thiện và áp lực chi phí vận chuyển đang kéo lùi biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng. Đà suy giảm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi giá cước vận chuyển vẫn neo cao, đặc biệt là các tuyến vận chuyển xuyên lục địa.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC), đơn vị đầu ngành xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu tăng 22,2% trong nửa đầu năm 2024, lên 6.073,5 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm tới 26,53%, về 483,6 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 11,98%, biên lợi nhuận ròng đạt 7,96%, thấp kỷ lục so với giai đoạn 2020-2023. Bên cạnh biên lợi nhuận gộp thu hẹp, Vĩnh Hoàn còn ghi nhận chi phí vận chuyển tăng 55,95% so với cùng kỳ, từ 64,32 tỷ đồng lên 100,31 tỷ đồng.
Lý giải về lợi nhuận tiếp tục đi lùi, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn cho biết, do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm. Như vậy, hiệu quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn trong nửa đầu năm 2024 đã giảm gần một nửa so với năm thuận lợi nhất là năm 2022 và tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023 tới nay.
Tương tự, các doanh nghiệp trong ngành như Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (mã IDI) cũng gặp tình trạng doanh thu có dấu hiệu đi ngang, nhưng do biên lợi nhuận gộp và ròng thu hẹp, vẫn báo cáo lợi nhuận ròng tiếp tục đà suy giảm.
Tại Nam Việt, nửa đầu năm 2024, doanh thu giảm nhẹ 0,9%, về 2.209,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 16,7%, về 34,41 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp và ròng lần lượt giảm về 11,1% (cùng kỳ 11,3%) và 1,6% (cùng kỳ 1,9%). Nam Việt có thuyết minh thêm, chi phí vận chuyển sau khi suy giảm trong quý I/2024 đã bật tăng tới 91,45% trong quý II, từ 18,95 tỷ đồng lên 36,28 tỷ đồng.
Trong khi đó, nửa đầu năm 2024, I.D.I ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 0,7%, về 3.564,71 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận giảm tới 21%, về 28,87 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm về 7,68% (cùng kỳ 8,34%) và biên lợi nhuận ròng là 0,81% (cùng kỳ là 1,02%). Công ty thuyết minh thêm, bên cạnh biên lợi nhuận gộp thu hẹp, chi phí vận chuyển trong nửa đầu năm 2024 cũng tăng tới 39,8%, từ 35,4 tỷ đồng lên 49,48 tỷ đồng.
Kỳ vọng tiếp tục đà hồi phục nửa cuối năm 2024
Đánh giá về tình hình kinh doanh của nhóm xuất khẩu cá tra, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, triển vọng trong nửa cuối năm 2024 tập trung ở mức tăng sản lượng nhờ giá bán cá tra cạnh tranh hơn các loại cá khác. Giá bán cá tra kỳ vọng tăng dần ở tất cả thị trường nhờ mùa cao điểm, tuy nhiên mức tăng sẽ không mạnh do nền kinh tế các nước còn yếu và kỳ vọng khởi sắc trong năm 2025 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến cắt lãi suất vào tháng 9.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, các doanh nghiệp nhập khẩu đã tận dụng thời điểm giá thấp để tích lũy sản lượng trong nửa đầu năm 2024, khi dự kiến tiêu dùng phục hồi vào nửa cuối năm 2024. SSI Research kỳ vọng, sản lượng tiêu thụ tiếp đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024, nhờ giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 11 là mùa cao điểm xuất khẩu cá tra, cùng với kỳ vọng sự phục hồi tiêu dùng của thị trường Mỹ.
Có thể thấy, dù giá bán cá tra vẫn duy trì ở mức thấp, đồng thời chịu áp lực của chi phí vận chuyển neo cao, nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng đà phục hồi nửa cuối năm 2024 của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhờ vào mùa cao điểm và kỳ vọng hồi phục nhu cầu ở cá thị trường tiêu thụ lớn.