Ngành công nghiệp tỷ USD
Theo số liệu từ Statista, doanh thu từ lĩnh vực IoT tại Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 16,04% trong giai đoạn 2023 - 2028, ước đạt tổng doanh thu 13,11 tỷ USD vào năm 2028. Trong đó, thị trường quan trọng nhất đối với lĩnh vực IoT tại Việt Nam là ô tô, với doanh thu ước tính đối với lĩnh vực IoT cho thị trường này trong năm 2023 vào khoảng 2,18 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc chuyển đổi số Deloitte Đông Nam Á cho hay, theo nghiên cứu của Deloitte, đến năm 2027, tại Việt Nam sẽ có khoảng 14,8 triệu thiết bị kết nối IoT. Các ứng dụng của IoT được chia thành 5 loại dịch vụ khác nhau, bao gồm kết nối, quản lý thiết bị, ứng dụng, quản lý và phân tích dữ liệu, học máy và trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ nay đến năm 2024, các ứng dụng của IoT tại Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào kết nối và quản lý thiết bị. Song mảng thị trường của 2 loại dịch vụ này sẽ dần thu hẹp lại, nhường chỗ cho các dịch vụ liên quan đến ứng dụng, quản lý và phân tích dữ liệu, học máy và AI.
Có rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam có tiềm năng để ứng dụng công nghệ IoT. Đó là năng lượng, giao thông - vận tải, hậu cần và logistics, công nghiệp sản xuất và khai thác tài nguyên, ngành bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và cả các hoạt động của Chính phủ. Trong đó, nhóm ngành năng lượng có thể cần được ưu tiên, bởi mức độ phức tạp khi ứng dụng công nghệ IoT khá thấp. Kế đó là nhóm ngành liên quan tới giao thông - vận tải, hậu cần và logistics với độ phức tạp ở mức trung bình.
“Deloitte đề xuất Việt Nam ưu tiên ứng dụng IoT trong các thiết bị điện, hỗ trợ kết nối các xe ô tô và xe tải hạng nặng, quản lý đội tàu, giám sát việc vận chuyển hàng hóa và thanh toán tại các cửa hàng”, bà Hiệp kiến nghị.
Kết quả nghiên cứu của các tổ chức cũng cho rằng, 90% lượng kết nối IoT Việt Nam sẽ nằm trong 25 kịch bản sử dụng. Trong đó, các kịch bản sử dụng phổ biến nhất với công nghệ NB-IoT là báo cháy, thiết bị gia dụng, nông nghiệp thông minh, đèn đường, công tơ điện thông minh... Với các thiết bị IoT sử dụng kết nối mạng 4G/5G, chúng sẽ được ứng dụng nhiều vào việc kết nối ô tô, quản lý đội xe, camera, máy thanh toán (POS) và các kịch bản liên quan đến chăm sóc sức khỏe.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital cho biết, IoT được dự báo tăng trưởng rất mạnh trong thời gian tới và mạng 5G là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự gia tăng này. “5G là thế hệ thứ năm của công nghệ truyền thông di động không dây, hoạt động ở các băng tần cao hơn so với các mạng trước đây, tốc độ nhanh và kết nối ổn định với nhiều thiết bị hơn, xử lý được nhiều dữ liệu hơn với độ trễ rất thấp, giúp hệ thống phản hồi theo thời gian thực”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom, lĩnh vực IoT đang xuất hiện thêm 2 định nghĩa mới là IoV (Internet of Vehicle) và IoG (Internet of Government). Trong đó, IoV là xu hướng kết nối Internet các phương tiện giao thông - vận tải, theo dõi và giám sát phương tiện. Với IoG, đó là xu hướng kết nối trong các thành phố thông minh và trong dịch vụ hành chính công. “Đây là các ứng dụng của IoT mà Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong 3-5 năm tới”, ông Sơn dự báo.
Làm gì để thúc đẩy thị trường?
Thị trường IoT đang vào độ chín, nhưng rào cản lớn nhất là nguồn nhân lực. Bà Đào Thị Thảo, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Vconnex cho hay, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực IoT chất lượng cao. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần tới đội ngũ kỹ sư có kiến thức chuyên môn sâu và có tư duy hệ thống để tham gia sâu mảng thị trường này. “Việt Nam cần có thêm nhiều đơn vị giảng dạy và chương trình đào tạo kỹ sư IoT trình độ cao”, bà Thảo khuyến nghị.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Đức Minh (Khoa Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, Việt Nam đang thiếu các kỹ sư trưởng, những người có thể phân tích được về khía cạnh kinh doanh cho chủ doanh nghiệp để họ hiểu những lợi ích của việc ứng dụng IoT. Việt Nam đang đi sau thế giới về công nghệ IoT, thị trường Việt Nam quá nhỏ, nên để bù lại chi phí nghiên cứu phát triển là rất khó.
“Chúng ta đang vừa thừa, vừa thiếu nhân lực phát triển IoT. Số lượng các sinh viên được đào tạo điện tử khoảng vài trăm người mỗi năm, doanh nghiệp khó hấp thụ hết được. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu những người hiểu biết về hệ thống để có thể phát triển, kiểm định sản phẩm từ đầu đến cuối, đưa nó ra thị trường. Nói cách khác, Việt Nam thiếu các nhân sự cấp cao về phát triển IoT”, ông Minh chỉ rõ.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường IoT, nhiều mô hình được tham khảo. Phần lớn thị trường thiết bị IoT trên thế giới hiện thuộc về Trung Quốc, với hơn 10 tỷ kết nối IoT, trong đó 1,84 tỷ thiết bị dùng SIM. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Việt Nam cần thành lập Hiệp hội IoT Việt Nam. Đây là nơi để các doanh nghiệp trong ngành có thể cùng nhau chia sẻ các tri thức, giải pháp và bài học kinh nghiệm trong việc đưa công nghệ IoT ứng dụng vào cuộc sống. Điều này đã được Trung Quốc thực hiện thành công nhằm biến quốc gia này thành thị trường IoT lớn nhất thế giới.
Hay Hàn Quốc đã phát triển các mạng chuyên dụng IoT do các công ty viễn thông xây dựng để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái IoT. Trong đó, Chính phủ đầu tư 50 tỷ won (49 triệu USD) vào các công nghệ IoT cốt lõi thông qua kết hợp đầu tư công - tư; đầu tư 350 triệu USD vào 300 doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái IoT. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu - phát triển thông qua chương trình về mua sắm, tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ…
Từ kinh nghiệm Hàn Quốc, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề xuất 8 nội dung thúc đẩy IoT tại Việt Nam. Đó là xác định các ứng dụng, lĩnh vực ứng dụng IoT phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, như nhà thông minh, nông nghiệp, logistics hoặc cấp điện, nước; thúc đẩy sự phát triển mang tính mở của hệ sinh thái IoT Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đóng vai trò phát triển hạ tầng, nền tảng về IoT, nghiên cứu các phương án triển khai NB-IoT trên hạ tầng sẵn có.
Bên cạnh đó, có kế hoạch xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về IoT cho Việt Nam; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối IoT; xác định rõ chiến lược là không có AI thì IoT sẽ không thể hiệu quả, xem A-IoT là một xu hướng tất yếu cần tập trung phát triển; xây dựng và triển khai nhiều dự án thí điểm ứng dụng công nghệ IoT, có sự phối hợp giữa nhà mạng với các sản phẩm, thiết bị ứng dụng IoT trong các lĩnh vực nhà thông minh, nông nghiệp…