Một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp được phân phối qua hệ thống ngân hàng. Ảnh: Đ.T |
Ham lãi suất cao, nhà đầu tư cá nhân “nhắm mắt” cho vay doanh nghiệp
Chỉ trong nửa đầu năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 2 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp, phân nửa số đó “chui” vào túi nhà đầu tư cá nhân. Nói cách khác, hàng chục ngàn nhà đầu tư đã rót gần 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản) vay thông qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp, mà không quan tâm đến báo cáo phân tích tài chính, tài sản đảm bảo, doanh nghiệp bảo lãnh phát hành…
Nắm được tâm lý dễ dãi, lại ham lãi suất cao của nhà đầu tư, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã cố tình chia nhỏ các đợt phát hành (tổ chức 10 - 50 đợt/năm), kéo dài thời gian phát hành mỗi đợt để “dụ” nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trước sự liều lĩnh của không ít nhà đầu tư, mới đây, Bộ Tài chính lần thứ 3 cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân thận trọng vì có khả năng không thu được tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (cả gốc và lãi), nếu doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Trong bối cảnh Covid-19 vừa quay lại, các rủi ro mất tiền lại càng trở nên hiện hữu.
“Đa phần nhà đầu tư trên thị trường mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao, nhiều nhà đầu tư thậm chí không hề biết phân tích báo cáo tài chính, chưa từng nghe tên về doanh nghiệp phát hành, chỉ mua trái phiếu do tin tưởng do ngân hàng là đơn vị phát hành. Điều này rất ngây thơ, bởi ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc “chặn” nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu sơ cấp là rất cần thiết, vì rủi ro quá lớn, trong khi khả năng phân tích, đánh giá rủi ro của nhà đầu tư cá nhân hầu như không có.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, về lâu dài, để nhà đầu tư không chỉ nhìn vào lãi suất, doanh nghiệp phát hành cũng không chỉ cạnh tranh bằng lãi suất, yếu tố quan trọng nhất là phải phát triển thị trường thứ cấp.
“Phải phát triển thị trường mua bán trái phiếu doanh nghiệp, giống như thị trường cổ phiếu. Khi đó, lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp, ngoài lãi suất còn là phần lợi nhuận mua đi, bán lại. Như vậy, chỉ những trái phiếu “xịn” của các doanh nghiệp phát hành uy tín mới có thanh khoản tốt, có khả năng tăng giá. Một khi làm được điều này, nhà đầu tư sẽ chỉ lựa chọn doanh nghiệp phát hành có năng lực tốt, chứ không chỉ nhìn vào lãi suất. Khi đó, thị trường sẽ phát triển lành mạnh, không còn chỗ cho trái phiếu rác”, ông Quốc Bảo nhận định.
Còn thiếu nhiều công cụ cho nhà đầu tư cá nhân nhận diện rủi ro
Khi rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu gia tăng, các chuyên gia đề nghị, cần sớm đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho hay, ở các nước trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm là một trong những điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu và cũng là căn cứ để nhà đầu tư lựa chọn. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành cũng phải theo chuẩn quốc tế. Đây là yêu cầu để nhà đầu tư tham khảo, đưa ra quyết định. Tuy nhiên, những quy định này chưa bắt buộc ở Việt Nam.
Được biết, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam đang xúc tiến thành lập một công ty xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, từ tháng 6/2020, FiinGroup công bố bắt đầu cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy vậy, đến cuối tháng 7/2020, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho hay, Công ty mới thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, dự kiến tháng 9/2020 mới có trường hợp xếp hạng tín nhiệm đầu tiên cho doanh nghiệp chào bán đại chúng.
Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều yếu tố cần nắn chỉnh, song giới chuyên gia cho rằng, vẫn phải khuyến khích thị trường này phát triển để đa dạng hóa thị trường vốn.
“Doanh nghiệp cần nhiều kênh huy động vốn khác ngoài ngân hàng. Có những con đường dài vài cây số mà có hơn chục ngân hàng, nhiều hơn cả số cửa hàng tiện lợi. Đây là điều vô lý. Nhu cầu vay của nền kinh tế rất lớn, nếu chỉ ngân hàng là kênh độc quyền cung ứng sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy, do đó phải phát triển các kênh huy động vốn khác, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Tất nhiên, việc thường xuyên phải “nắn chỉnh” thị trường này là cần thiết để chuyên nghiệp và minh bạch hơn”, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận xét.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV