Phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) |
Đúng nguyên tắc thì dân sướng vô cùng
Tuần qua, sau nhiều chờ đợi, các vị đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã bắt đầu công việc vô cùng quan trọng: góp ý sửa đổi Luật Đất đai.
Thảo luận lần đầu, nên việc đầu tiên là các vị đại biểu “soi” toàn thể Dự thảo xem đã đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi hay chưa.
Ở 19 tổ thảo luận, khá nhiều ý kiến có chung nhận xét là, Dự thảo đã thể chế hóa được những yêu cầu lớn của Nghị quyết 18-NQ/TW, nhưng còn khá sơ sài, nhất là những quy định liên quan đến vấn đề được cho là nóng rẫy nhiều năm qua: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giá đất...
Một số ý kiến cho rằng, quy định về thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại thì “thiết kế trong Dự thảo không phù hợp với nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW”.
Bên cạnh góp ý vào các quy định cụ thể, đại biểu cho rằng, cần xác định rõ nguyên tắc của lần sửa đổi này, thiết kế các điều, khoản đều phải tuân thủ nguyên tắc đó.
Theo đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương), Dự thảo quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” thì đầu tiên cần làm rõ nội hàm “cái gì toàn dân quyết định, cái gì toàn dân ủy quyền cho Nhà nước thì Nhà nước mới được làm”. “Đây là việc vô cùng khó, lần sửa đổi này phải tính kỹ và phải quy định rõ trong Luật Đất đai, đặc biệt là quy định những nội dung nào dứt khoát phải toàn dân quyết định”, ông Phàn đề nghị.
Nhấn mạnh quan điểm, mọi chính sách phải lấy điểm tựa là hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, song đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, đừng chăm chăm đặt lợi ích của Nhà nước lên trên hết trong mọi vấn đề về đất đai. Trong lần sửa đổi này, vấn đề cực kỳ quan trọng là đưa đất đai về giá trị thực, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, cũng có nghĩa là nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiền dư của dân được đổ vào sản xuất, chứ không chạy theo những cơn sốt đất và cơ quan quản lý cũng giảm áp lực giải quyết khiếu nại, tố cáo kéo dài như hiện nay.
Đi vào những vấn đề cụ thể, nhiều đại biểu tỏ ra khá sốt ruột khi Dự thảo mới chỉ nhắc lại tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW, chứ chưa cụ thể hóa để đảm bảo khả thi khi Luật có hiệu lực. Chẳng hạn, khoản 2, Điều 97 quy định: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), điều này hết sức khó. “Nếu chúng ta làm đúng nguyên tắc này, thì dân sung sướng vô cùng. Nhưng thực tế không được, bởi lẽ nhu cầu của người dân rất cao, diện tích phải lớn hơn diện tích đền bù, rồi có sinh kế, thu nhập... Trong khi đó, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá bằng hoặc hơn rất khó. Viết như thế này, về lý thuyết, tất cả người dân đồng ý, nhưng thực tế không làm được, thì khiếu kiện đất đai kéo dài”, đại biểu Chính phân tích và cho rằng, nên sửa quy định trên thành đảm bảo điều kiện phù hợp, thoả đáng.
Cũng góp ý về bồi thường, tái định cư, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) băn khoăn khi Điều 92 quy định về “Tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, khai thác sử dụng quỹ đất đã thu hồi", nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong khi đó, đây là khâu khởi đầu cho tái định cư và khiếu kiện cũng bắt đầu từ khâu tổ chức thực hiện này.
“Chúng ta đưa ra luật để mọi người bình đẳng với nhau, các cơ quan công quyền có khuôn khổ pháp lý để dễ dàng thực hiện, nhưng lại giao Chính phủ quy định chi tiết điều này thì sẽ chẳng khác gì với trước”, ông Huân nhấn mạnh và đề nghị, Dự thảo phải quy định rõ những nội dung ở điều này, chứ không giao Chính phủ.
Gốc rễ giải quyết mọi vướng mắc là giá đất
Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất thu hồi đất cho cả dự án nhà ở thương mại, cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) đề nghị hết sức cân nhắc và nên thực hiện cơ chế tự thoả thuận theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Nhiều đại biểu đồng ý quan điểm của cơ quan thẩm tra, song khá nhiều ý kiến cho rằng, dù Nhà nước đứng ra thu hồi hay doanh nghiệp tự thoả thuận với dân, thì mấu chốt vẫn là giá đất.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Dự thảo đã bỏ khung giá đất và quy định xây dựng bảng giá theo thị trường. Đây chính gốc để giải quyết mọi vướng mắc, bất bình đẳng, không đảm bảo lợi ích của người dân.
“Nếu chúng ta thực hiện đúng nguyên tắc này, thì xoá bỏ phần lớn tham nhũng về đất đai hoặc khiếu kiện. Vì trước đây, khung giá đất thấp, khi các cơ quan có thẩm quyền giao đất chuyển đất từ khu vực công sang khu vực tư, thì đương nhiên áp mức giá thấp, sinh ra tham nhũng. Còn bây giờ có bảng giá sát giá thị trường rồi, thì không có chuyện cố tình sai phạm”, ông Cường nhận định.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đồng tình rằng, giá đất là gốc của vấn đề, lâu nay, tất cả hệ luỵ xảy ra cũng xuất phát từ giá đất không theo thị trường, nên dễ dẫn tới lạm dụng, trục lợi từ đất đai. Giá sinh ra lợi ích, nên xác định giá đất thế nào là nội dung rất quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, ông Đỗ Đức Duy phân tích, nhiều ý kiến cho rằng, khi doanh nghiệp thỏa thuận với người dân, thì quyền lợi của người dân tăng lên, còn quyền lợi của doanh nghiệp giảm xuống. Thực tế trong trường hợp này, đúng là quyền lợi người dân có thể được tăng lên, nhưng quyền lợi của doanh nghiệp không thay đổi và quyền lợi của Nhà nước có giảm xuống, bởi vì chi phí để thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cuối cùng vẫn là Nhà nước chi trả khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp. “Như vậy, quan trọng nhất trong thu hồi đất chính là giá đất”, ông Duy nhìn nhận.
Thế nhưng, làm thế nào để có giá đất sát giá thị trường vẫn là băn khoăn lớn ở nhiều tổ thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu, thực tiễn vướng rất nhiều về định giá đất, thế nào là giá thị trường, ai là người có đủ khả năng xác định giá đó là thị trường… Quy định như Dự thảo nghe thì rất đúng, hay, nhưng để thiết kế phương pháp xác định được giá thị trường, hay giá sát thị trường thì không hề đơn giản.
Nhiều ý kiến khác có chung nhận định đó. Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) đề nghị, cần sửa căn bản quy định về hội đồng thẩm định giá theo hướng chỉ sử dụng người có chuyên môn, có nghề về thẩm định giá, không nên quy định đại diện rất nhiều cơ quan vào hội đồng chỉ để “lấy số đông”.
Thừa nhận bất cập rất lớn hiện nay là giá đất không theo thị trường, Trưởng ban Ban Soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, lần sửa đổi này sẽ tính giá đất theo phương pháp mới nhất là phương pháp định giá theo vùng giá trị xác định các thửa đất chuẩn. Tuy nhiên, việc này chỉ làm được chỉ khi có bản đồ địa chính số và thiết lập được mạng lưới, thu được thông tin về giá đất hàng ngày và chuẩn. Dự báo được Bộ trưởng đưa ra là khoảng 5 năm nữa sẽ có thể tính được giá đất theo thị trường.
Theo nghị trình, ngày 14/11, ngoài thời gian thông qua một số dự án luật khác, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại hội trường trong hai buổi - gấp đôi các dự án luật thông thường.
Dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến nhân dân vào đầu năm 2023, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2023).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu 3 yêu cầu đặt ra đối với pháp luật về đất đai: có nhà ở cho mọi người, có ruộng cho người nông dân sản xuất, có đất để chủ đầu tư triển khai dự án một cách nhanh chóng.
Để làm được điều này, theo ông Thịnh, cần thực hiện các giải pháp: các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi và giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai; Nhà nước chỉ giao đất có thời hạn cho tổ chức, cá nhân sau khi thu hồi (trừ các trường hợp Nhà nước bồi thường, tái định cư cho người có đất ở, mà đất ở đó được Nhà nước giao, công nhận quyền sử dụng lâu dài); và Nhà nước thực hiện quyền trưng mua đối với đất nông nghiệp mà người dân có nhu cầu chuyển nhượng theo kế hoạch ngân sách hàng năm.