Tranh mua, tranh bán sầu riêng bằng mọi giá
Một năm trước đây, lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thời điểm đó, ngoài chia vui với bà con nông dân và hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đưa ra những cảnh báo: Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ, tuân thủ luật chơi, thì trái sầu luôn là trái ngọt, trái thơm; còn ngược lại, trái sầu phút chốc trĩu nặng nỗi buồn thành “trái đắng”.
Tròn 1 năm sau, “sầu riêng” đã thực sự trở thành niềm vui chung khi 7 tháng đầu năm 2023, “vua các loại trái cây” đang mang về cho đất nước hơn 1 tỷ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, cùng lúc, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc nhở, đó là: “Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng tưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...”.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, nơi trồng hơn 52.000 ha sầu riêng, tương đương 47% tổng diện tích trồng sầu riêng của cả nước, xuất hiện tình trạng giá sầu riêng tăng nóng. Doanh nghiệp tranh nhau mua bán; thậm chí những doanh nghiệp, cá nhân không có chuyên môn nhưng cũng tham gia, làm xáo trộn thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết tình trạng tranh mua, tranh bán diễn ra thường xuyên. Một số đơn vị đứng chủ mã số vùng trồng sầu riêng nhưng chưa mua được sản phẩm, vậy mà bằng cách nào đó, từ các mã vùng trồng này, họ vẫn làm thủ tục xuất khẩu bình thường
Với HTX của ông, nhiều thương lái đến hỏi mua sầu riêng mà không cần quan tâm đến mã số vùng trồng, dù phía HTX đã làm chuẩn chỉnh từ khâu nhật ký ghi chép, theo dõi, giám sát sinh vật gây hại.
“Tôi hỏi tại sao sản phẩm đi xuất khẩu mà không quan tâm đến mã số, thì họ vỗ vai nói là việc mua bán mã số vùng trồng giờ quá đơn giản”, ông Chiến bức xúc.
Ông cũng tiết lộ, có những đơn vị “không cần làm gì” mà vẫn tham gia vào chuỗi cung ứng. Cụ thể, doanh nghiệp trả giá nào, họ sẵn sàng trả cao thêm 2 giá (2.000 đồng/kg) để mua từ người dân.
“Doanh nghiệp báo giá cho nông dân buổi sáng, đến chiều cơ sở vãng lai tăng thêm hai giá. Thậm chí, họ dòm ngó chọc ngoáy để nông dân bỏ liên kết. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang 'đánh nhau' và tự thua trên sân nhà", ông Chiến nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho biết hợp đồng mua bán giữa Vạn Hòa và nông dân trồng sầu riêng đã bị phá vỡ, vì tình trạng môi giới xen vào giữa phá giá. Trong hợp đồng nêu rõ, trước vụ thu hoạch từ 15-20 ngày, công ty sẽ đánh giá tỉ lệ và chốt giá cho người nông dân. Thế nhưng, trước thời điểm thu hoạch khoảng 1-2 tháng, hơn 90% người nông dân bán hết ra ngoài.
"Nếu doanh nghiệp ký kết thu mua với nông dân giá 60.000 - 80.000 đồng một kg, nhiều cơ sở vãng lai sẵn sàng trả 90.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng khiến nông dân bẻ cọc", ông Trung cho hay.
Các doanh nghiệp sầu riêng cần bắt tay thay vì đối đầu
Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh đồng vàng (Lạng Sơn), doanh nghiệp chuyên về chế biến sâu nông sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết: Để minh bạch việc đưa hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ theo quy định của nước nhập khẩu, đặc biệt đối với Trung Quốc, thị trường có nhiều quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
Ông Trung cũng nhìn nhận thực trạng một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không hiểu biết về sầu riêng thi nhau nhảy vào làm, nâng giá, làm xáo trộn ngành sầu riêng. Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh.
“Với tiềm năng về sầu riêng tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần có tư duy bắt tay đồng hành cùng đưa sản phẩm vào thị trường Trung Quốc thay vì đối đầu, cạnh tranh nhau về vấn đề giá cả”, ông khẳng định.
Hiện tại, ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển. Trong 8 tháng đầu năm 2023, sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 24 thị trường, gồm cả Trung Quốc; trong khi đó sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu.
Sắp tới đây, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Cục đang tiếp tục làm việc để mở cửa thị trường Ấn Độ, một thị trường tỷ dân đầy tiềm năng cho trái sầu riêng Việt Nam.
“Như vậy nghĩa là sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển miễn là chúng ta đảm bảo được tổ chức sản xuất và đảm bảo được chất lượng của thị trường”, bà Hương khẳng định.
Tuy vậy, để xuất khẩu thành công, sầu riêng Việt Nam cần đáp ứng những quy định chung của thị trường lớn như Trung Quốc, và đây cũng là quy định chung của nhiều thị trường theo thông lệ quốc tế. Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết các vùng trồng sầu riêng phải đăng ký; phải quản lý được sinh vật gây hại; được sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý; đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc… Về cơ sở đóng gói phải đảm bảo quy tắc một chiều; đảm bảo phân khu đầy đủ; yêu cầu hồ sơ ghi chép đầy đủ về quản lý sinh vật gây hại, hồ sơ truy xuất…
Bà Hương nhấn mạnh, thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng. Những lô hàng chộp giật, mạo danh “không chóng thì chầy” sẽ phá sản, còn những đơn vị làm ăn uy tín thì sẽ tồn tại. Lý thuyết đúng là như vậy nhưng điều này sẽ dẫn đến mất luôn thương hiệu sầu riêng Việt Nam, những doanh nghiệp làm ăn uy tín sẽ bị ảnh hưởng.
“Hiện nay các đối thủ của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Nếu chúng ta cứ ngủ quên trên chiến thắng, tự ru ngủ mình là số 1, là duy nhất thì chẳng chóng thì chầy sẽ thua ngay từ lúc bắt đầu”.
“Theo đó, tôi rất mong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng nhau nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và các nước xuất khẩu; cùng nhau hợp tác và hỗ trợ để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam”, bà Hương nói thêm.