Thời sự
Tránh nhập nhèm trong thu hồi đất
Mạnh Bôn - 06/11/2013 08:32
Hôm nay (6/11), Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận. TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thành viên Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết, tất cả quy định liên quan đến thu hồi đất đều được cụ thể hóa trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới nhất vừa được Quốc hội thảo luận hôm 5/11. Hà Nội thu hồi hàng loạt dự án để xây trường

Thưa ông, lúc đầu, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không quy định nội dung Nhà nước thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Vì sao nội dung này lại đưa vào Dự thảo mới nhất trình Quốc hội tại kỳ họp này?

Đưa nội dung này vào Hiến pháp và Luật Đất đai là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tôi cũng nói thêm rằng, chỉ trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước mới thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội, còn nếu không, việc thu hồi đất phải thực hiện theo sự thỏa thuận giữa người đang sử dụng đất và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn có quyền sử dụng đất để thực hiện đầu tư công trình, dự án.

TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thành viên
Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Nhưng tham gia ý kiến vào 2 dự thảo này, có không ít ý kiến không đồng tình?

Đúng là có những ý kiến không đồng tình, nhưng tập hợp ý kiến của nhân dân, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp và Ban soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi nhận được đa số ý kiến đề nghị đưa nội dung này vào Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời đề nghị phải cụ thể hóa trường hợp nào mới được thu hồi đất.

Tất cả những quy định liên quan đến thu hồi đất đều được cụ thể hóa trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất.

Cụ thể, Dự thảo quy định, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh (10 trường hợp); vì lợi ích quốc gia, công cộng (9 trường hợp), phát triển kinh tế - xã hội (3 trường hợp). Ngoài những trường hợp này, nếu doanh nghiệp, chủ đầu tư muốn có đất, thì phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất.

Những mảnh đất “lưỡng tính”, vừa dành cho mục đích an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, vừa mang tính chất thương mại thường xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Hiến pháp và Luật Đất đai liệu có xử lý được vấn đề này không?

Muốn chấm dứt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện như trên, theo tôi, các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai phải quy định cụ thể. Ví dụ, đối với mục đích an ninh, quốc phòng, thì chỉ có diện tích đất làm nơi đóng quân; căn cứ quân sự; ga, cảng quân sự; xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân… mới thực hiện thu hồi đất.

Còn doanh nghiệp quốc phòng, công an cần đất sử dụng vào mục đích khác thì dứt khoát phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất, không có chuyện “nhập nhèm” giữa mục đích quốc phòng, an ninh với mục đích khác. Không phải cứ cái gì cứ dính đến quốc phòng, an ninh đều thực hiện thu hồi đất.

Tương tự, địa phương cần mặt bằng để xây dựng chợ phục vụ trao đổi, buôn bán hàng hóa của người dân trong vùng, nếu được HĐND cấp tỉnh thông qua, thì thực hiện thu hồi đất đối với diện tích xây dựng chợ. Còn diện tích xung quanh chợ, thì phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất, đền bù theo giá thị trường.

Liệu có giảm được khiếu nại, khiếu kiện được không khi giá đền bù có khoảng cách rất lớn với giá thị trường, thưa ông?

Để xử lý vấn đề này, theo tôi, Chính phủ cần quy định, ngoài dự án thu hồi đất theo quy định, các trường hợp khác phải bồi thường theo giá thị trường.

Trong trường hợp giá đất tăng sau khi Nhà nước, doanh nghiệp đã đầu tư, thì phải quy định cụ thể việc phân chia phần chênh lệch để bảo đảm quyền lợi của Nhà nước - người dân hoặc doanh nghiệp - người dân, ít nhất phải bảo đảm cho người sử dụng đất đủ tiền để mua được nơi ở mới.

Tin liên quan
Tin khác