Thời sự
Trao quyền cho phụ nữ trong doanh nghiệp và hỗ trợ khởi sự kinh doanh
Hoàng Oanh - 08/03/2022 08:56
Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Trao quyền cho phụ nữ trong doanh nghiệp và Hỗ trợ khởi sự kinh doanh”, từ 9h ngày 8/3/2022.

Nhằm đánh giá rõ nét về vai trò và những đóng góp của phụ nữ trong việc phát triển của doanh nghiệp, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Trao quyền cho phụ nữ trong doanh nghiệp & Hỗ trợ khởi sự kinh doanh”.

Đây là “điểm hẹn” để các nhà quản lý, các đại diện tổ chức xã hội và tổ chức quốc tế, lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá về hoạt động bình đẳng giới, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ lao động nữ và nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên khẳng định giá trị.

Tọa đàm cũng là diễn đàn để các bên đưa ra các khuyến nghị phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn và thiết lập môi trường làm việc bình đẳng, hỗ trợ phụ nữ nâng cao vị thế trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Tham dự buổi Tọa đàm trực tuyến có các vị khách mời:

- Bà Bùi Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bà My Holland, Phó Chủ tịch Đào tạo, Tiểu ban Phụ nữ trong Kinh doanh, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam – EuroCham
- Bà Vũ Thị Quỳnh Anh, Phó Cố vấn trưởng Dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La” (GREAT).
- Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ ECUE Việt Nam.
- Bà Đinh Thị Thu Hoài, Giám đốc điều hành Mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) .

Chương trình được phát trực tiếp trên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn và fanpage chính thức của Báo điện tử Đầu tư, bắt đầu từ 9h sáng ngày 8/3/2022.

Vượt qua những giới hạn và định kiến cản trở tiến trình phát triển của bản thân, phụ nữ ngày càng tự tin khẳng định tiềm năng vô tận nếu được khuyến khích và trao quyền một cách xứng đáng.

Chiếm 50,2% dân số và 47,3% lực lượng lao động tại Việt Nam, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng khi tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế.

Theo báo cáo Mastercard năm 2021, Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là cũng là đại diện châu Á duy nhất nằm trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng những năm gần đây, hiện chiếm tỷ lệ 25% tổng số doanh nghiệp và giữ vị trí cao nhất trọng khu vực Đông Nam Á.

Bằng “vũ khí” là sự nhạy bén, tính cách mềm mỏng nhưng cũng không kém phần quyết liệt, nhiều phụ nữ đã thể hiện bản lĩnh không hề thua kém nam giới trong việc lãnh đạo doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh.

Đặc biệt, trước những khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 mang tới, vốn được nhận định là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất nhưng các doanh nhân nữ lại trở thành những người truyền năng lượng tích cực cho nhân viên, cộng sự, duy trì hoạt động kinh doanh, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vị thế ngày càng được nâng cao, nhưng không thể phủ nhận phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ định kiến giới, sự bất bình đẳng trong môi trường làm việc và trao cơ hội để phát triển… so với nam giới.

Số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và cực nhỏ với khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, với đặc tính giới, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh. 

Ngoài vấn đề về nguồn vốn thì những định kiến tồn tại lâu đời đang đặt lên vai phụ nữ gánh nặng gấp đôi so với nam giới khi họ vừa phải chăm lo cho gia đình, vừa phải có trách nhiệm với doanh nghiệp. Phụ nữ cũng thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khó có cơ hội được đào tạo hay giao lưu, học hỏi do gánh nặng gia đình, sinh con.

Theo nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam do Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ mỗi tuần để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này.

Những áp lực từ trách nhiệm đối với gia đình đòi hỏi phụ nữ phải làm việc nhiều hơn 100% sức lực trong gia đoạn đầu, và quá trình khởi nghiệp của họ thường khá cô đơn, nếu không nhận được sự hỗ trợ từ phía các thành viên trong gia đình. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn với những nhóm phụ nữ yếu thế, trong đó có phụ nữ đến từ các nhóm dân tộc thiểu số vốn không chỉ ít cơ hội tiếp cận những kiến thức hiện đại mà tiếng nói trong gia đình vẫn còn hạn chế.

Để xóa bỏ ranh giới vô hình cản trở sự phát triển và khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2025, khoảng 20.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức xã hội cũng đang chung tay để kiến tạo một môi trường làm việc bình đẳng và dành nhiều cơ hội hơn cho nữ giới.

Một số doanh nghiệp tập trung giải quyết bất bình đẳng giới theo chiều dọc bằng cách đưa ra các mục tiêu tăng số lượng lãnh đạo là  nữ hoặc tỉ lệ phụ nữ làm quản lý. Một số doanh nghiệp khác lại tập trung vào giải quyết bất bình đẳng giới theo chiều ngang, như tuyển thêm nữ vào bộ phận kỹ thuật, bán hàng.

Tin liên quan
Tin khác