Toàn cảnh phiên giải trình - Ảnh Quochoi.vn. |
Đây là thông tin được nêu tại phiên giải trình về việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán đến hết niên độ ngân sách nhà nước năm 2021, được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tổ chức sáng 8/9.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, kết quả của phiên giải trình này là tư liệu, thông tin hết sức quan trọng phục vụ cho các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Hải, kết quả làm việc bước đầu với các cơ quan, đơn vị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và một số bộ, ngành, địa phương cho thấy, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN và việc tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN có sự chuyển biến tích cực sau khi Ủy ban Tài chính, ngân sách ban hành Kế hoạch tổ chức phiên giải trình.
Đây là lần đầu tiên có cuộc rà soát tổng thể các kết luận, kiến nghị của KTNN chưa thực hiện; phát hiện được nhiều nội dung đã thực hiện, nhiều kiến nghị của các cơ quan nhiều năm chưa được tổng hợp, xử lý, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đặc biệt, Phó chủ tịch cho biết, nhiều cơ quan, đơn vị đến 30/6/2023 đã hoàn thành cơ bản các kết luận, kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính, xử lý khác đối với niên độ NSNN năm 2021. Nhiều kết luận, kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác của KTNN kéo dài nhiều năm chưa thực hiện chỉ trong thời gian 4 tháng sau khi Kế hoạch tổ chức phiên giải trình được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện xử lý tài chính, xử lý khác thu nộp về NSNN.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua thông tin, số liệu báo cáo cũng cho thấy, trong quản lý, sử dụng NSNN, tài chính công, tài sản công tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa chuyển biến đáng kể, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục.
Số kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác; rà soát, sửa đổi ban hành văn bản quy phạm pháp luật; yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước.
“Số kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện còn rất lớn. Nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách của KTNN chưa được thực hiện là 699 kiến nghị; nhóm kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với niên độ NSNN năm 2020 và năm 2019 trở về trước là 746 kiến nghị”, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Báo cáo của KTNN tại phiên giải trình cho thấy, các kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác chưa thực hiện tính đến 31/3/2023 là 108.180,2 tỷ đồng.
KTNN đã phân loại rõ, nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán là 63.291,2 tỷ đồng, chiếm 58,5%. Lý do gồm: đơn vị chưa thực hiện các thủ tục liên quan để thực hiện kiến nghị của KTNN; đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện kiến nghị của KTNN; đơn vị được kiểm toán gặp khó khăn về tài chính; đơn vị được kiểm toán không còn hoạt động hoặc dừng hoạt động; đơn vị báo cáo đã thực hiện nhưng chưa cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ để KTNN xác nhận đã thực hiện; chứng từ, tài liệu hồ sơ thực hiện kiến nghị chưa đảm bảo theo quy định.
Nhóm nguyên nhân thuộc trách nhiệm của KTNN là 2.471,1 tỷ đồng, chiếm 2,28%, gồm: KTNN chưa kiểm tra thực hiện kiến nghị; đơn vị chưa thống nhất với kết luận, kiến nghị của KTNN và KTNN đang xem xét xử lý.
Nhóm nguyên nhân chưa thực hiện do trách nhiệm của bên thứ 3 là 15.510,8 tỷ đồng, chiếm 14,3%, gồm: chờ phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện kiến nghị của KTNN; (do nhà thầu không hợp tác, phối hợp thực hiện kiến nghị của KTNN, còn có tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu hoặc nhà thầu phá sản; chưa được bố trí vốn thanh toán, đang hoàn thiện hồ sơ quyết toán để thực hiện kiến nghị của KTNN; chưa được phê duyệt quyết toán, thanh toán gói thầu, dự án làm cơ sở để thực hiện kiến nghị của KTNN.
Nhóm nguyên nhân khác 26.907,1 tỷ đồng, chiếm 24,9%.
Qua giải trình, nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã được Tổng KTNN, lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM, TP.Hà Nội, các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư giải trình cụ thể.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban này sẽ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát đối với việc thực hiện các kết luận của KTNN, không chỉ là đối với kết luận của niên độ 2021 trở về trước mà kể cả đối với các kết luận kiểm toán nói chung.
Đồng thời, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng sẽ kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục làm việc với KTTN, các bộ, ngành, các địa phương để giám sát, hoàn chỉnh các số liệu để tổng hợp báo cáo Quốc hội khi xem xét, phê duyệt quyết toán năm 2022.