Thời sự
Trí tuệ nhân tạo là tương lai của Việt Nam
Như Chính - 17/08/2019 17:59
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trí tuệ nhân tạo tưởng chừng rất khó hiểu, cao siêu nhưng suy cho cùng đây là công cụ nhằm giải quyết hiệu quả nhất những “bài toán” rất cụ thể, thiết thực trong cuộc sống.

Sáng 16/8, phiên trọng thể Ngày hội Việt Nam 2019 (AI4VN Summit 2019) đã diễn ra tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Với chủ đề “Đẩy mạnh hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo” - đây là một trong những diễn đàn lớn nhất về trí tuệ nhan tạo (AI) được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2019 với sự góp mặt của nhiều bộ, ban, ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp tham dự.

Thời điểm mang tính lịch sử

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, nắm bắt xu hướng phát triển nói chung, Bộ đã có những tham mưu để phát triển công nghệ, trong đó có AI. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Gần đây, Bộ tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, tập trung hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ AI, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp thúc đẩy, nghiên cứu và ứng dụng AI.

AI4VN Summit 2019 là nơi kết nối, tụ hội, chia sẻ và ứng dụng trong các lĩnh vực. Qua sự kiện này, các chuyên gia sẽ kết nối, trao đổi để AI phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thúc đẩy mối liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái trong nước, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh kỳ vọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tham dự sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thay đổi để trở thành nền kinh tế hội nhập, năng động, hấp dẫn đầu tư trong khu vực. Với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực giỏi toán học, đam mê công nghệ, thị trường 69 triệu dân liên kết với các khu vực, cùng các hiệp định kinh tế mới ký kết gần đây, Việt Nam có những thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ.

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, AI có bước phát triển mạnh. Năm 2018, ngành công nghiệp này tăng trưởng hơn 70% năm, tương đương 200 tỷ USD so với năm 2017. AI có khả năng trở thành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới. Bộ cũng xác định AI là công nghệ đột phá, mũi nhọn trong 4.0, cần thúc đẩy phát triển.

Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển ngành AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo trong bậc đại học, hỗ trợ khu doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo.

Đây là thời điểm mang tính lịch sử, cần hành động theo tinh thần bây giờ hoặc không bao giờ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là thời điểm mang tính quyết định

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có AI. Đơn cử như sự kiện Vietnam Venture Summit tháng 6 vừa qua, 18 quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư 425 triệu USD cho startup Việt trong 3 năm tới.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Năm 2018 đánh dấu sự kiện thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, quy tụ các chuyên gia công nghệ và cộng đồng AI. Trong thời gian tới, Bộ sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới tri thức AI người Việt tại một số quốc gia khác, cũng như thành lập quỹ global fund nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa đưa tri thức của người Việt đi ra thế giới.

Ngoài ra, hoàn chỉnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, được coi là mục tiêu quyết liệt với việc thành lập trung tâm khởi mới sáng tạo quốc gia, đang trình thủ tướng Chính phủ, xây dựng theo mô quốc tế với thể chế cạnh tranh vượt trội, dự kiến sẽ khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào cuối năm.

AI là tương lai của Việt Nam

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển AI của Hàn Quốc, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Trung tâm Năng suất Hàn Quốc cho rằng có thể coi AI là tương lai của Việt Nam. Tương tự như Hàn Quốc, nếu tận dụng tốt AI, Việt Nam có thể tiến một bước dài, bỏ qua giai đoạn phát triển mà những cường quốc từng trải qua. Đây cũng chính là cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.

Tại Hàn Quốc, AI đã thay đổi cơ cấu toàn xã hội, việc làm, ngành nghề và cả con người. Chính phủ xây dựng các chính sách phát triển AI, trong đó tập trung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đủ sức phục vụ phát triển công nghiệp trong nước. Hàn Quốc nghiên cứu và xây dựng cơ sở hạ tầng cho nguồn dữ liệu lớn. AI cũng tác động đến việc thay đổi các công việc tuyển dụng và phân loại chất lượng nhân lực ở Hàn Quốc.

Từ kinh nghiệm vận dụng AI tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Kyoo Sung Noh đề xuất các ý tưởng hợp tác trong lĩnh vực AI giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Có thể kể đến như xây dựng Smartcity (thành phố thông minh), điều mà Hàn Quốc đã thực hiện từ năm 2000 với tổng vốn đầu tư 200 tỷ USD. Hay Smartfactory (nhà máy thông minh), Smartfarm (trang trại thông minh) hoặc Smarttalent nhằm đào tạo nhân lực AI.

Trong chia sẻ của mình tại sự kiện, đồng sáng lập Fun Academy và Rovio (Phần Lan) và cũng là cha đẻ của trò chơi nổi tiếng Angry Birds, ông Peter Vesterbacka nhấn mạnh con người chính là nguồn nhân lực quan trọng nhất để phát triển AI.

Chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai. Nhiều người lo ngại AI phát triển sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. Nhưng sẽ có nhiều công việc mới nảy sinh, điều quan trọng là cần tăng cường nhận thức cho giới trẻ. Đất nước Phần Lan của chúng tôi là một nước nhỏ, chỉ khoảng 5 triệu dân, gần như không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng chúng tôi giành độc lập cách đây hàng trăm năm. Ngay sau đó, chúng tôi đã đặt câu hỏi nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước là gì? Và chúng tôi thấy con người là nguồn tài nguyên quý giá nhất, ông Peter Vesterbacka nói.

Theo vị chuyên gia, dù đất nước lớn hay nhỏ con người đều là tài nguyên, cần được phát triển. Con người ngày càng thích thú với những khái niệm mới, chúng ta cần chuẩn bị để theo kịp sự phát triển, xác định con người là trung tâm là nguồn lực trong quá trình phát triển AI. Con người không cạnh tranh với máy móc mà cần kết hợp với máy móc. Điều chúng ta cần làm là chuẩn bị kỹ năng để tiếp nhận những công việc sẽ có trong tương lai.

Giáo dục đào tạo phải hướng đến AI và trang bị kỹ năng cần thiết cho giới trẻ. Chúng ta cần trang bị kỹ năng cho 5 tỷ người trên thế giới, cần ứng dụng AI và công nghệ, cần có quy trình. Quy trình ở đây chính là hệ thống giáo dục, là yếu tố để nâng cao kỹ năng, trang bị cho giới trẻ những kiến thức để họ theo kịp những thay đổi trong tương lai.

Cha đẻ Angry Birds nêu ra mô hình 3 chữ E (entertainment - education và enterpreneurship) được ứng dụng tại Phần Lan và cho thấy hiệu quả. Cụ thể, hệ thống giáo dục cần có tính sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển. Tinh thần kinh doanh cũng cần được đẩy mạnh trong giới trẻ để bắt kịp sự vận động của thế giới. Trong đó, cha đẻ Angry Birds nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, sáng tạo. Theo vị này, trong thời đại 4.0 và trí tuệ nhân tạo, cần đầu tư vào cái gốc là giáo dục để đi xa hơn, nhanh hơn.

Kết nối và lan tỏa những kiến thức CNTT

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, những năm qua khoa học, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Sự thay đổi của thế giới, xã hội, mọi người dân trong quá trình phát triển dẫn đến yêu cầu kết nối toàn cầu ở mọi cấp độ: Máy với máy; máy với người; người với người; chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và ngược lại, đan xen nhau… Đây là nền tảng tạo lên các dữ liệu lớn kết hợp với năng lực tính toán tiến bộ vượt bậc, thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nhằm phục vụ con người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi tại Phiên trọng thể (Ảnh: VGP)

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là một phần của thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và trí tuệ nhân tạo. Nhiều người Việt Nam đã và đang tham gia vào quá trình phát triển CNTT, trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Cộng đồng trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam có nhiều hoạt động sôi nổi trong những năm gần đây. Quy mô dân số của Việt Nam lớn. Vì vậy, CNTT, KHCN, trí tuệ nhân tạo đã trở thành những công cụ có thể mang lại thời cơ lớn, nhưng nếu không tận dụng thì sẽ qua đi.

“Vậy chúng ta phải làm thế nào?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng nói đến trí tuệ nhân tạo tưởng chừng rất khó hiểu, cao siêu với nhiều chuyên ngành như hệ chuyên gia, robotics, nhận dạng, xử lý ngôn ngữ, học sâu, thành phố thông minh, nhà máy thông minh… nhưng “suy cho cùng trí tuệ nhân tạo nhằm giải quyết hiệu quả nhất những “bài toán” rất cụ thể, thiết thực trong cuộc sống. Nhiều việc cụ thể sẽ góp lại thành một vấn đề lớn".

Mỗi đất nước, xã hội, cộng đồng có những nhu cầu khác nhau song Phó Thủ tướng cho rằng có ba “bài toán” cơ bản cần giải quyết. Thứ nhất, làm sao để có một xã hội thanh bình. Tất cả ứng dụng để giúp cho xã hội an toàn như những sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo để đưa đón học sinh, điều khiển giao thông… chính là nhằm mục đích này. Thứ hai là mong muốn của mỗi người luôn được khoẻ mạnh. Từ những yêu cầu đơn giản như ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, biết được sức khoẻ của bản thân, phát hiện sớm bệnh để điều trị… cho đến việc phát hiện, chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo. Thứ ba là phải đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người, hiệu quả và thuận tiện ở nơi, mọi lúc. Cùng với đó là các hoạt động đi lại, thưởng thức văn hoá, giải trí…

“Những bài toán rất cụ thể này là cơ hội cho CNTT nói chung, sâu hơn nữa là trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, chúng ta phải có trách nhiệm tham gia giải quyết những vấn đề lớn, “bài toán” chung của thế giới trong khả năng của mình về thuật toán, dữ liệu, phương pháp…”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

“Chúng ta kết nối để có trách nhiệm cùng nhau xây dựng nền tảng dữ liệu mở, chia sẻ để tất cả cùng phát triển, không chỉ cho Việt Nam mà đóng góp cho cộng đồng chung trên thế giới. Chia sẻ thứ tốt mà mình có thì tất cả sẽ cùng có những cái tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý sự kết nối, chia sẻ không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hay những người làm CNTT, trí tuệ nhân tạo mà phải kêu gọi được cộng đồng, xã hội cùng tham gia. Từng cơ quan, tổ chức, cá nhân cần thay đổi thói quen, luôn luôn làm việc hệ thống, có dữ liệu ban đầu và cập nhật liên tục. Những việc nhỏ như vậy sẽ góp phần vào phát triển CNTT, trí tuệ nhân tạo, phát triển đất nước và góp phần giải quyết những “bài toán” của nhân loại.

Đồng tình với ý kiến của nhiều diễn giả, Phó Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển CNTT nói chung, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh một bộ phận nhân lực ở trình độ rất cao thì Việt Nam cần đào tạo nhiều hơn nữa nhân lực chất lượng cao ở những trình độ khác nhau làm trong các chuyên ngành CNTT, trí tuệ nhân tạo.

“Đặc biệt phải lan toả những kiến thức CNTT, trong đó có trí tuệ nhân tạo, đến mọi người dân, những người sẽ sử dụng các ứng dụng, sản phẩm CNTT hay AI. Chúng ta có thể làm rất tốt nhưng nếu người dân không hiểu, không hưởng ứng, không tham gia thì không có tác dụng”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn cộng đồng CNTT, trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam cùng chung tay làm những việc thiết thực để đất nước có thêm công cụ phát triển nhanh hơn, nỗ lực thu hẹp khoảng cách so với các nước đi trước.

Tin liên quan
Tin khác