Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Trí Việt đạt 432 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 480 tỷ đồng. |
Kết quả năm 2021 tăng đột biến
Tập đoàn Trí Việt (mã TVC - HNX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2021 với kết quả bứt phá.
Cụ thể, trong quý IV/2021, Trí Việt ghi nhận doanh thu thuần 128,7 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu hoạt động tài chính đạt 78 tỷ đồng, tăng 90%. Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí và thuế, Trí Việt ghi nhận lãi sau thuế 119,4 tỷ đồng, tăng 5 lần so với quý IV/2020.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu của Trí Việt đạt 432 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 480 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí và thuế, lãi sau thuế của Công ty đạt 550,2 tỷ đồng, tăng 5,23 lần, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 5.692 đồng.
Trí Việt được biết đến là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài sản và ủy thác đầu tư tại Việt Nam với một hệ sinh thái khép kín trên thị trường tài chính, bao gồm Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt là Bên mua và công ty con của Trí Việt là Chứng khoán Trí Việt (mã TVB - HoSE) là bên Bên bán.
Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, song Trí Việt đã không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh vừa được Đại hội đồng cổ đông thông qua hôm 13/11/2021 là tổng doanh thu 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 700 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Trí Việt đạt 3.909 tỷ đồng, tăng so với đầu năm.
Trong đó, danh mục chứng khoán kinh doanh của Trí Việt có tổng giá vốn là 901 tỷ đồng, giá trị hợp lý cuối kỳ là 894 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu vào 3 mã là HPG (Hòa Phát), TCB (Techcombank) và FPT. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Trí Việt là mã HPG, với giá gốc là 555 tỷ đồng. Giá trị hợp lý cuối kỳ đối với khoản đầu tư này được Trí Việt ghi nhận là xấp xỉ 540 tỷ đồng, tức là công ty đang “gồng lỗ” và trích lập dự phòng 15,3 tỷ đồng.
So sánh với báo cáo tài chính quý III/2021 của Trí Việt, có thể thấy, Công ty đã gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu HPG trong quý IV/2021, bởi tại ngày 30/9/2021, giá gốc khoản đầu tư HPG là 310 tỷ đồng, giá trị hợp lý cuối kỳ là 320 tỷ đồng.
Nếu tiếp tục “gồng lỗ” và không bán ra bất kỳ cổ phiếu nào từ ngày 31/12/2021 đến nay (tính đến ngày 24/1/2022), Trí Việt đang tạm lỗ 82 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Gian nan kế hoạch tăng vốn
So với đầu năm, vốn chủ sở hữu của Trí Việt tăng hơn 3 lần, lên 2.472 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong năm 2021, Trí Việt đã thực hiện một số đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn từ 460,5 tỷ đồng (đầu năm) lên 1.186 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thêm gần 400 tỷ đồng, lợi ích cổ đông không kiểm soát thêm 500 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, cuối năm 2021, HĐQT Trí Việt đã thông qua kế hoạch triển khai phương án phát hành và phê duyệt hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, Trí Việt dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 118,6 triệu đơn vị. Với giá phát hành dự kiến lên tới 20.000 đồng/cổ phiếu, Trí Việt sẽ thu về hơn 2.372 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến sử dụng 712 tỷ đồng được sử dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán, 949 tỷ đồng sẽ dùng cho việc góp vốn vào công ty con, 712 tỷ đồng còn lại dùng để thanh toán công nợ. Thời gian giải ngân dự kiến từ tháng 1 đến tháng 6/2022.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang gặp nhiều thách thức, khi thị giá cổ phiếu TVC thời gian qua có xu hướng giảm, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/1 ở mức 17.200 đồng/cổ phiếu.
Với EPS đạt 5.692 đồng, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của TVC mới là 3 lần, trong khi P/E bình quân của các công ty tài chính là 15 lần. Mặc dù đây là yếu tố khá hấp dẫn, nhưng việc thị trường chứng khoán thời gian gần đây diễn biến không thuận lợi với cổ phiếu TVC và cả các mã mà Trí Việt nắm giữ sẽ là thách thức lớn cho kế hoạch phát hành lần này.