Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 “copy” nguyên Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Thưa ông, vậy Quốc hội có nhất thiết phải thảo luận và thông qua nữa không?
Nên nhớ rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra là mục tiêu tổng quát. Theo mục tiêu này thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân bằng khoảng 32 - 34% GDP; bội chi còn khoảng 4% GDP... Vì thế, Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 cũng phải bám sát vào mục tiêu tổng quát này.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Tuy nhiên, Nghị quyết của Quốc hội phải cụ thể hóa mục tiêu tổng quát, như để đạt được các mục tiêu tổng quát thì tổng quỹ tiêu dùng bao nhiêu, quỹ tích lũy bao nhiêu, huy động vào ngân sách nhà nước bao nhiêu…
Trong vốn tổng đầu tư toàn xã hội, thì vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA và vốn vay ưu đãi bao nhiêu? Và quan trọng hơn, trong các mục tiêu cụ thể, Quốc hội phải thảo luận để đưa ra các giải pháp thực hiện.
Năm 2016 - năm “mở hàng” thực hiện kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016-2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đối mặt với nhiều khó khăn như lãi suất tăng trở lại, giá dầu giảm không ngừng, hạn hán kỷ lục đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long… Trước những khó khăn này, cần phải có giải pháp gì?
Vẫn phải bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã được Quốc hội thông qua là GDP tăng khoảng 6,7%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; nhập siêu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%, bội chi tương đương 4,95%...
Nhưng trong các giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2016 cũng như các năm sau này và cả Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, không thể thực hiện bằng những giải pháp chung chung kiểu như quyết tâm, tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao, mà phải cụ thể từng giải pháp, phải có địa chỉ thực hiện rõ ràng, có cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.
Kế hoạch đặt ra là trong giai đoạn 2011-2015, bội chi dưới 4,5% GDP, nhưng cuối cùng “cán đích” ở mức 5,2% GDP. Theo ông, làm thế nào giảm bội chi xuống mức 4% GDP trong giai đoạn 2016-2020?
Muốn giảm bội chi thì phải tăng thu, nhưng không thể tăng thu bằng cách tăng thuế, phí, lệ phí tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân mà tăng thu bằng cách mở rộng diện thu vì hiện nay còn diện chưa đóng góp vào ngân sách nhà nước vẫn còn rất lớn.
Nhưng giải pháp quan trọng hơn là phải chống thất thu, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2011-2016, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tăng 35,6% so với giai đoạn trước. Khu vực này đóng góp vào tỷ trọng xuất khẩu từ 49,5% năm 2011 (không kể dầu thô), lên 68,2% vào năm 2015, nhưng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của khu vực này không tương xứng, nhiều năm không đạt dự toán, trong khi các khu vực kinh tế khác đều vượt xa dự toán. Điều này cho thấy hiện tượng gian lận thuế, chuyển giá diễn ra phổ biến ở khu vực kinh tế này.
Ngoài tăng thu, muốn giảm bội chi còn phải giảm chi nữa, thưa ông?
Dự toán thu năm nào cũng tăng, kết quả năm nào cũng thu vượt dự toán, nhưng bội chi cả số tuyệt đối lẫn tương đối luôn theo “quy luật” năm sau tăng cao hơn năm trước là do tăng chi quá mạnh. Vì vậy, phải có các giải pháp quyết liệt, cụ thể để giảm bội chi chứ, không hô khẩu hiệu “quyết tâm, tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao”.
Trong giai đoạn tới, muốn giảm bội chi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó dứt khoát không đầu tư xây dựng quảng trường, công sở, trung tâm hành chính… Bên cạnh đó, cần giảm được chi thường xuyên, vốn chiếm tỷ lệ quá lớn so với tổng chi, có lẽ thuộc diện lớn nhất nhì trên thế giới.