Thời sự
Triển khai thí điểm sáng kiến thủ tục hành chính tại các địa phương
Khánh An - 04/08/2016 08:16
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với UBND TP.HCM và một số tỉnh, thành phố triển khai thí điểm các sáng kiến thủ tục hành chính tại địa phương. Trên cơ sở đó, các điển hình cải cách tốt sẽ được nhân rộng.

Đó là một trong những kế hoạch cụ thể được đích thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư cách đây hơn nửa tháng. Bộ trưởng khá sốt ruột khi việc triển khai các kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở nhiều bộ, ngành, địa phương khá chậm chạp, thậm chí còn nhiều rào cản, hạn chế. Trong khi đó, sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp đang được coi là động lực quan trọng, mang tính quyết định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

“Sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tạo bước chuyển biến trong môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách giữa sự quyết liệt của Chính phủ và các cấp thực thi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn.

.

Có thể nhìn thấy rõ điều này khi xem xét các kết quả thực hiện các Nghị quyết 19 trong hai năm 2014 - 2015 và ngay cả Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2006 - 2017, định hướng đến năm 2020. Trong khi mục tiêu đến hết năm 2016, Việt Nam phải đạt mức trung bình của ASEAN-4 ở cả 10 chỉ tiêu, thì chỉ tiêu tiếp cận điện năng hiện vẫn ở nửa cuối của bảng xếp hạng (108/109 nền kinh tế), chỉ tiêu giao dịch thương mại qua biên giới liên tục giảm thứ hạng trong 2 năm gầy đây, mỗi năm giảm 1 bậc do những bất cập về quản lý chuyên ngành.

Sẽ rất khó cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi thời gian thông quan qua biên giới của Việt Nam là 147 giờ đối với xuất khẩu và 177 giờ đối với nhập khẩu, dài hơn rất nhiều so với 30 giờ đối với xuất khẩu và 34 giờ đối với nhập khẩu của Malaysia; 62 giờ đối với xuất khẩu và 54 giờ đối với nhập khẩu của Thái Lan. Đó là chưa so sánh với 16 giờ đối với xuất khẩu và 36 giờ đối với nhập khẩu của Singapore.

Ngoài ra, chỉ tiêu cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan cùng kéo dài thêm 52 ngày, từ 114 ngày lên 166 ngày; đăng ký sở hữu tài sản thêm 1 thủ tục, tốn 57,5 ngày, nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4 và còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu của Nghị quyết 19 (14 ngày)…

Tương tự, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đang được triển khai chậm. Chỉ tính riêng việc ban hành Chương trình hành động, nhiều bộ, ngành, địa phương không đảm bảo được yêu cầu về thời gian là trước ngày 1/7. Trong khi đó, với các nhiệm vụ được phân giao cụ thể trong Nghị quyết 35/NQ-CP, thì việc thực thi sẽ quyết định hiệu quả của nghị quyết này đối với hoạt động của doanh nghiệp trên từng địa bàn.

“Những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh có thể sẽ có những độ trễ nhất định, nhưng hiệu ứng của các giải pháp này đến sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt trong triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành. Do vậy, ngành kế hoạch và đầu tư cần coi trọng và chủ động trong công tác tham mưu các cấp kiên quyết cải thiện môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cụ thể, công việc được Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trong ngành là đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, khởi nghiệp; theo dõi sát tình hình để gỡ bỏ những nút thắt đối với doanh nghiệp, giải phóng sức phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Các cấp, các ngành phải xử lý nghiêm những trường hợp gây phiền hà, cửa quyền trong quan hệ xử lý các công việc của doanh nghiệp và của người dân, để tạo sự lan tỏa, đưa các nghị quyết và các chỉ đạo của Chính phủ xuống đến các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và khẳng định, cần phải đảm bảo cho  doanh nghiệp yên tâm với môi trường kinh doanh, yên tâm đầu tư sản xuất.

Tin liên quan
Tin khác