Doanh nghiệp
Trịnh Khánh Hạ, đồng sáng lập Vulcan Augmetics: Tạo cơ hội cho người khuyết tật
Hồng Phúc - 17/04/2019 10:20
Trịnh Khánh Hạ cùng đội ngũ sáng lập Vulcan Augmetics kỳ vọng, sản phẩm mô-đun tay chân giả của start-up này sẽ giúp khoảng 38 triệu người khuyết tật trên thế giới có cơ hội tiếp cận việc làm.
Trịnh Khánh Hạ và sản phẩm mô-đun tay giả cho người khuyết tật của Vulcan Augmetics.

Chỉ 30% người khuyết tật ở Việt Nam có việc làm

Sau khi trở thành quán quân của Giải thưởng Doanh nhân cộng đồng (Blue Venture Award) 2018, Khánh Hạ (26 tuổi) đưa Vulcan Augmetics đến chương trình tập huấn Accelerator Programme dành cho 20 quán quân trên toàn cầu tại Vương quốc Anh - nơi cô tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế

Thành lập tháng 7/2018, một năm sau khi Khánh Hạ về Việt Nam, Vulcan Augmetics là start-up duy nhất đến từ Đông Nam Á và là 1 trong 2 đại diện đến từ các nước đang phát triển. Về mô hình kinh doanh, Vulcan Augmetics là start-up duy nhất hoạt động trong mảng công nghệ phần cứng và phục vụ cho cộng đồng người khuyết tật.

Chia sẻ lý do lựa chọn lĩnh vực này, Khánh Hạ trích dẫn thống kê của WHO, trên thế giới có khoảng 38 triệu người khuyết tật (không có chân/tay giả). Tại Việt Nam có hơn 200.000 người khuyết tật như vậy và mỗi năm lại có hàng ngàn người bị mất đi bộ phận cơ thể do tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Trong khi đó, chỉ 30% người khuyết tật ở Việt Nam có việc làm.

Nhận thấy hàng triệu người khuyết tật gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống như khó kiếm việc làm, không thể tự nuôi bản thân… trong khi giá sản phẩm chân/tay giả đắt đỏ, khoảng 5.000 - 100.000 USD, Khánh Hạ cùng các cộng sự quyết định thành lập Vulcan Augmetics và sản xuất mô-đun tay giả phục vụ người khuyết tật.

Sản phẩm mô-đun tay giả của Vulcan Augmetics được sản xuất hàng loạt, đồng bộ, có thể tùy chỉnh theo yêu cầu, được thực hiện thông qua công nghệ in 3D, mọi bộ phận đều có thể sửa chữa, thay thế, nâng cấp. Sản phẩm có giá 650 USD/sản phẩm (bán buôn) và 1.200 USD/sản phẩm (bán lẻ)

Vulcan Augmetics đang kêu gọi nguồn vốn khoảng 250.000 USD để trang trải chi phí hoạt động, phục vụ mục tiêu tăng trưởng trong 1 năm tới với kế hoạch thâm nhập thị trường và thành lập một nhóm mới để phát triển mô-đun chân giả với thị trường lớn hơn.

Tháng 5 tới đây, Vulcan Augmetics sẽ là start-up đầu tiên đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế The Venture được tổ chức tại Hà Lan, với cơ hội giành tổng giải thưởng trị giá 1 triệu USD.

“Chúng tôi biết, đối thủ của mình ở vòng chung kết toàn cầu đều đến từ những đất nước phát triển, nhưng chúng tôi tin vào tầm nhìn và khả năng chiến thắng tại cuộc thi này”, Khánh Hạ tự tin nói.

Mục tiêu 10% thị phần tại Việt Nam trong 3 năm tới

Theo kế hoạch, Vulcan Augmetics sẽ đưa sản phẩm tiếp cận người khuyết tật thông qua 4 kênh chính là phòng khám phục hồi và chỉnh hình tư nhân; các nền tảng trực tuyến, bán hàng cá nhân; các tổ chức phi lợi nhuận với một số chương trình hỗ trợ người khuyết tật và hợp tác với các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Đầu tháng 4/2019, Vulcan Augmetics đã triển khai chiến dịch gọi vốn cộng đồng để

lắp đặt tay điện miễn phí, tạo việc làm cho người khuyết tật bằng Dự án UpLift với sự tham gia của chuỗi cà phê The Coffee House.

Theo ông Phú Võ, Giám đốc thương mại và tiếp thị The Coffee House, Dự án UpLift không chỉ giúp người khuyết tật có thể lao động trở lại, mà còn thay đổi quan niệm của xã hội và của chính người khuyết tật về tiềm năng của họ.

“Trong vòng 6 tháng nữa kể từ ngày hôm nay (31/3/2019 - PV), sẽ có ít nhất 6 người khuyết tật được lắp đặt cánh tay robot miễn phí và làm việc tại các cửa hàng The Coffee House ở những vị trí tiền tuyến nhất. Đây là nơi họ có cơ hội tiếp xúc với hàng trăm khách hàng mỗi ngày và truyền cảm hứng cho hàng ngàn con người tại chuỗi”, ông Phú Võ cho biết.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật và thực hiện trách nhiệm xã hội, Vulcan Augmetics sẽ tập trung bán các mô-đun cơ bản thông qua phòng khám. Đây là kênh chính trong năm đầu tiên, chiếm ít nhất 50% sản phẩm sản xuất. Người dùng có thể mua các bộ phận thay thế và nâng cấp trực tuyến sản phẩm, lựa chọn phương thức giao tại nhà…

“Trước mắt, doanh thu của Công ty sẽ đến từ bán hàng trực tiếp. Về lâu dài, giá trị từ số hóa tài sản của Vulcan, bản quyền, dữ liệu từ các cảm biến và thân máy trang thiết bị sẽ là bàn đạp cho các công nghệ tiếp theo như bộ quần áo công nghiệp hay công nghệ AR (công nghệ tích hợp đồ họa máy tính và mạng Internet với thế giới thực để có thể xem các đối tượng ảo trong môi trường thực)…”, Khánh Hạ chia sẻ về kế hoạch dài hạn và bày tỏ sự tự hào về đội ngũ quản lý nhiều kinh nghiệm cũng như các kỹ sư giỏi của Vulcan Augmetics.

Đội ngũ Vulcan Augmetics ước tính, quy mô thị trường sản phẩm tay, chân giả ở các nước phát triển sẽ đạt khoảng 1,76 tỷ USD vào 2025 và tăng lên gấp đôi vào 3 năm sau đó.

“Ở Việt Nam có hơn 200.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng 68.000 người khuyết tật cánh tay. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 10% thị phần tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới và có kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ”, Khánh Hạ chia sẻ.

Đội ngũ Vulcan Augmetics

Tại Vulcan Augmetics hiện nay, Trịnh Khánh Hạ chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh, marketing; Rafael Masters là CEO đảm nhiệm việc giám sát chiến lược kinh doanh, phát triển và kỹ thuật cơ khí; Akshay Sharma là CTO, anh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin và robot, từng làm việc trong Dự án Galileo với Intel.

Ngoài ra, đội ngũ Vulcan Augmetics còn có sự góp mặt của chuyên gia chân tay giả Việt Linh, Giám đốc thiết kế Vũ Tuấn Anh, Nhà chế tạo Tuấn Anh Bùi (Steve)…

Tin liên quan
Tin khác