Đầu tư
Trĩu nặng nỗi lo thua lỗ tại dự án BOT giao thông
Bảo Như - 25/04/2020 08:17
Nếu không có “phao cứu trợ” kịp thời, đặc biệt là từ phía ngân hàng, nhiều dự án BOT đường bộ sẽ đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính, để lại “biến chứng” rất lớn.
.

“Giọt nước” mang tên Covid-19

Việc các nhà đầu tư Dự án BOT Xây dựng cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) có tổng mức đầu tư lên tới 7.277 tỷ đồng vừa gửi văn bản kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ đã gióng thêm hồi chuông báo động về tình trạng bi đát của nhiều dự án BOT giao thông.

Theo Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, kể từ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí hoàn vốn vào tháng 10/2018 đến nay, tình hình thu phí hoàn vốn tại Dự án liên tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Cụ thể, tính từ khi công trình được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thu phí hoàn vốn (ngày 1/9/2018) đến ngày 31/12/2019, lưu lượng xe trung bình ngày đêm tại Trạm BOT cầu Bạch Đằng chỉ đạt 11.796/26.740 xe (tương ứng 44,11%); doanh thu thu phí lũy kế là 245,5 tỷ đồng/669 tỷ đồng, đạt 36,7% so với phương án tài chính.

Nguyên nhân chủ yếu, theo doanh nghiệp dự án, là do lưu lượng, thành phần dòng xe qua trạm không đạt dự báo và mức phí đang thấp hơn rất nhiều so với mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Do doanh thu không đủ để trả lãi vay ngân hàng, nên doanh nghiệp dự án đang phải sử dụng vốn tự có để bù đắp khoản lãi vay là 320 tỷ đồng và dự kiến mỗi tháng tiếp theo phải chi thêm khoảng 22 tỷ đồng/tháng.

Đến hết tháng 4/2020, doanh nghiệp dự án sẽ không còn khả năng chi trả và đứng trước nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó, đơn vị tài trợ tín dụng cho Dự án cũng có nguy cơ không tái cấu trúc được khoản nợ này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà đầu tư trong liên danh cho biết, từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay, tình hình thu phí tại Dự án BOT Xây dựng cầu Bạch Đằng tiếp tục lao dốc. Đặc biệt, từ khi Covid-19 bùng phát, doanh thu tại Trạm thu phí BOT cầu Bạch Đằng chỉ khoảng chục triệu đồng/ngày. Trong 2 đợt giãn cách xã hội kéo dài 22 ngày để phòng dịch, doanh thu thu phí của Dự án tụt xuống chỉ còn vài triệu đồng/ngày.

Đây chắc chắn là nỗi thất vọng rất lớn của nhóm nhà đầu tư gồm nhiều tên tuổi như: Trung Nam Group, Phúc Lộc - Cường Thịnh Thi - Cienco1 - Cái Mép; Công Thành - Phương Thành và Tập đoàn SE (Nhật Bản), bởi ngoài việc nằm ở vị trí cửa ngõ của TP. Hạ Long, cầu Bạch Đằng còn đóng vai trò kết nối 2 tuyến cao tốc lớn là Hà Nội - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng, ngay từ đầu năm 2019, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã có nhiều văn bản kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét hỗ trợ Dự án như: điều chỉnh tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ lên mức tối đa và tính toán điều chỉnh lại phương án tài chính; sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ hoặc cho Công ty vay để bù một phần dòng tiền thiếu hụt, đảm bảo đủ thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn; chia sẻ rủi ro trong trường hợp doanh thu thực tế sai khác; xem xét chuyển Dự án sang loại hình công trình sử dụng 100% vốn ngân sách…

“UBND tỉnh Quảng Ninh và VietinBank đã tổ chức các cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng chưa có kết quả với lý do các đề xuất xin hỗ trợ chưa có chính sách cụ thể của Nhà nước hướng dẫn. Đến nay, nguy cơ phá sản doanh nghiệp là rất rõ ràng, nếu không được sự xem xét tháo gỡ của Chính phủ”, ông Hòa chia sẻ.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án BOT cầu Bạch Đằng là công trình hạ tầng mới nhất “gia nhập” danh sách dự án BOT đang nằm trong diện báo động đỏ về cân đối tài chính như: cầu Hạc Trì; đường Hồ Chí Minh qua Đắk Lắk; Quốc lộ 1 Bắc Bình Định; Quốc lộ 1 qua Quảng Bình; Quốc lộ 1 qua Quảng Trị; Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long; Quốc lộ 19...

Ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh - nhà đầu tư 2 dự án Mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Bình và Quảng Trị cho biết, trong bối cảnh doanh thu thu phí chỉ đạt chưa đầy 60% phương án tài chính, doanh nghiệp dự án đã phải vay mượn hàng trăm tỷ đồng để bù đắp phần thiếu hụt, trả nợ cho ngân hàng. Chính vì vậy, tác động của Covid-19 với sự sụt giảm rất lớn về doanh thu trong năm 2020 rất có thể như giọt nước tràn ly, đẩy các dự án BOT giao thông trượt sâu thêm vào vòng xoáy nợ nần.

Áp lực tứ bề

Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho Dự án BOT cầu Bạch Đằng, doanh nghiệp dự án đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được hồi tố áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong trường hợp Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua.

Theo đó, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP 50% phần giảm doanh thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với với dự án PPP. Theo Dự thảo Luật PPP mới nhất, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Ở chiều ngược lại, khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần tăng doanh thu áp dụng đối với tất cả các dự án PPP.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Phương Thành cho rằng, đề xuất này tuy rất tiến bộ, thể hiện sự bình đẳng giữa các chủ thể tại các dự án PPP, nhưng nó vẫn thuộc về thì tương lai và rất khó có thể hồi tố áp dụng, trong khi nguy cơ phá sản tại nhiều dự án BOT giao thông đã rất cận kề.

Hiện tại, một số nhà đầu tư đã có hướng tiếp cận khả thi hơn như kiến nghị các ngân hàng tài trợ vốn giảm lãi suất vốn vay trung, dài hạn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc vay vốn trung, dài hạn. Đơn cử, Công ty cổ phần BOT Bắc Bình Định - doanh nghiệp Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 qua Bình Định kiến nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Phú Tài xem xét giảm lãi suất cho vay đối với Dự án áp dụng từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.

Điều đáng nói là, không chỉ các nhà đầu tư, bản thân các ngân hàng cũng đang cảm thấy ngột ngạt với những khoản vay tại các dự án BOT giao thông. Được biết, BIDV cũng đã phải gửi văn bản tới Bộ GTVT đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn đối với Dự án BOT Đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới dành riêng cho giao thông đường bộ qua sông Lô, trên Quốc lộ 2 (Dự án BOT cầu Việt Trì mới).

Cụ thể, BIDV đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phương án hỗ trợ đối với nhà đầu tư dự án đảm bảo nguồn thu hoàn vốn cũng như khả năng trả nợ vay ngân hàng; hoặc bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ một phần đối với Dự án nhằm đảm bảo lợi ích nhà đầu tư cũng như trả nợ vay ngân hàng; hoặc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến và báo cáo Thủ tướng cho phép các ngân hàng được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đối với Dự án BOT cầu Việt Trì mới và các dự án BOT khác đang gặp khó khăn do các yếu tố khách quan.

Hiện dư nợ của BIDV tại Dự án BOT cầu Việt Trì mới đã lên tới 1.049 tỷ đồng có khả năng phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, hiện việc hoàn thiện/phê duyệt quyết toán giá trị công trình diễn ra chậm, gây khó khăn cho ngân hàng khi xác định giá trị tài sản, nhận tài sản thế chấp, định giá theo quy định. BIDV cho rằng, đang thiếu cơ chế, biện pháp bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư BOT khi doanh thu thu phí không đảm bảo; lợi ích của nhà đầu tư theo phương án tài chính, hợp đồng BOT đã ký kết giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan này sẽ sớm đề nghị các nhà đầu tư khẩn trương tổng hợp số liệu lưu lượng xe, doanh thu thu phí từ khi đưa công trình vào vận hành, khai thác đến hết ngày 22/4/2020; từ đó có những đánh giá xác đáng về ảnh hưởng của Covid-19 đối với tất cả các dự án BOT.

“Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, doanh thu thu phí một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời”, lãnh đạo Vụ Đối tác công tư cho biết.

Khó giảm phí BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải

Đây là nội dung trong văn bản của Bộ GTVT trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, Hiệp hội Taxi TP.HCM về giảm phí BOT và giảm phí cầu đường, bến bãi.

Theo Bộ GTVT, đối với chi phí của các phương tiện vận tải khi đi qua trạm thu phí hoàn vốn đầu tư dự án đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT, đây là mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các nhà đầu tư (doanh nghiệp BOT) hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí như dự kiến trong hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016. Mặt khác, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Do Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm, khiến doanh nghiệp BOT càng khó khăn hơn. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BOT.

Với đề xuất của các hiệp hội về giảm chi phí vận tải, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giảm các loại phí do Nhà nước quản lý.
Tin liên quan
Tin khác