Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cuộc hội nhập đỉnh cao nhất của thế giới đương đại - sẽ chính thức được ký vào ngày mai (4/2//2016) và bắt đầu các thủ tục phê chuẩn để thực thi trong năm 2018.
Đây là niềm vui, nhưng cũng là nỗi lo khi cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn. TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được xem là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân. Nghĩa là thời gian tới, nhất là trong nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII), chúng ta sẽ phải trải nghiệm những cuộc hội nhập lớn nhất, sâu rộng nhất. Đối với đội ngũ doanh nhân sẽ là một chặng đường rất gian nan.
Trong hội nhập, đội ngũ doanh nhân cần được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu |
Mệnh lệnh “đột phá để đổi mới”, lại một lần nữa vang lên sau chặng đường 3 thập kỷ nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.
Trong thời điểm này, sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi năng lực của thể chế và sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận. Nhà nước là hậu phương vững chắc. Đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân.
Muốn có được một lực lượng doanh nhân đông đảo, kinh doanh có hiệu quả, tạo nhiều việc làm cho người dân, mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia, điều kiện cần là phải có nền tảng thể chế thân thiện và an toàn cho kinh doanh.
Thực hiện Hiến pháp năm 2013, hàng loạt luật đã được Quốc hội ban hành, sửa đổi nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ nhằm phá bỏ những rào cản hành chính, tệ quan liêu, nhằm đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào top 4 trong ASEAN là những nỗ lực làm giới doanh nghiệp ấm lòng.
Dẫu vậy cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn rất phiền hà so với chuẩn mực chung của thế giới.
Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu.
Trong công tác xây dựng thể chế, các công chức và cơ quan quản lý luôn đứng trước sự lựa chọn giữa việc trao thêm quyền cho người dân hay tăng thêm quyền quản lý cho mình. Thực tiễn đã chứng minh, những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường 3 thập kỷ qua, đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế, mà bản chất là mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tự do của người dân.
Hơn mọi lý thuyết, thực tế trên là bằng chứng khẳng định việc đặt niềm tin ở nơi dân, trao quyền cho người dân và doanh nghiệp, thay vì bao biện, làm thay sẽ giúp giải phóng năng lực sáng tạo và huy động được những nguồn lực to lớn cho phát triển. Phải thay đổi tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đó” bằng tư duy tiến bộ “năng lực quản lý của Nhà nước phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”.
Chúng tôi cũng vui mừng khi thấy vai trò và yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân đã được nêu trong văn kiện Đại hội XII. Doanh nhân được ghi nhận ở vị trí thứ tư trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc sau giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Báo cáo Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao”.
Yêu cầu này là đúng, nhưng chưa đủ, cần thêm tinh thần dân tộc như là một phẩm chất quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt. Chính tinh thần dân tộc sẽ là một động lực to lớn để thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh hội nhập và trong định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của chúng ta.
Chúng tôi cũng đề nghị xem xét bổ sung đội ngũ doanh nhân vào liên minh nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng liên minh công - nông - trí- doanh trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đây sẽ là bước phát triển mới của liên minh nền tảng trong bối cảnh Đảng ta xác định nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đưa doanh nhân vào liên minh nền tảng, xây dựng liên minh nền tảng công - nông - trí - doanh cũng chính là sự trở lại với đường lối, tư tưởng của Đảng ta và của Bác Hồ về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân và chính sách đại đoàn kết dân tộc với 5 cánh sao sỹ - nông - công - thương - binh trên lá cờ Tổ quốc. Sự ghi nhận này sẽ có sức cổ vũ, động viên to lớn đối với đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp dấn thân làm giàu, kiến quốc.
Đại hội XII không sửa đổi Cương lĩnh của Đảng và do vậy, vấn đề phát triển liên minh nền tảng như chúng tôi đề cập ở trên không được đặt ra. Nhưng chúng tôi vẫn tha thiết đề nghị Đảng ta sẽ xem xét vấn đề này trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng chủ trương xây dựng mối liên kết, hợp tác cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Ở thời điểm trọng đại này, chúng ta lại nhớ tới Bác Hồ. 70 năm về trước, sau Cách mạng Tháng Tám, từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô chuẩn bị cho ngày Độc lập, Bác đã đến ở nhà của một doanh nhân. Tại đây, Bác đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau ngày Quốc khánh, giới doanh nhân cũng là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ chủ tịch trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời. Ngày 13/10, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ. Bức thư của Bác đã trở thành bản tuyên ngôn đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân.
Bác đặt trọn niềm tin ở doanh nhân. Bác coi sự nghiệp của doanh nhân là sự nghiệp của đất nước. Bác bảo: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Bác khẳng định: Chính phủ nhân dân có trách nhiệm “tận tâm” giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết. Bác kêu gọi giới công thương hãy “mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn ra làm những công cuộc ích quốc, lợi dân”.
Công cuộc “đổi mới” do Đảng ta phát động suốt 3 thập kỷ qua, xét trên một góc độ nào đó, chính là quá trình trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân…
(*) Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam