Ngân hàng - Bảo hiểm
Tròn một năm thương chiến, thương mại thế giới thay đổi thế nào?
Khởi Vũ - 13/07/2019 20:39
Diễn biến hơn một năm qua và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, thương chiến Mỹ - Trung đã khiến giá trị xuất khẩu song phương của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm trên dưới 20 tỷ USD.

Trước bối cảnh đó, nhiều công ty Mỹ lẫn Trung Quốc đang lên kế hoạch sắp xếp lại các chuỗi cung ứng cũng như chuẩn bị cho một đợt dịch chuyển sản xuất khổng lồ trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay.

Mỹ - Trung thiệt hại 20 tỷ USD

Nổ ra từ 6/7/2018, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được Washington châm ngòi khi tuyên bố áp mức thuế 25% lên 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này đã khởi đầu cho một loạt những hành động trả đũa từ Trung Quốc lẫn các đòn thuế quan trừng phạt tiếp nối từ phía Hoa Kỳ.

Dù hai bên hiện đã nhất trí nối lại đàm phán thương mại song phương tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, song các vấn đề tranh chấp cốt lõi giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn vướng phải nhiều bất đồng. Như một lẽ tất yếu, khi thương chiến kéo dài, thương mại của cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phải hứng chịu nhiều tổn thất. 

Theo đó, lượng hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ bị áp thuế đã giảm 14%, với tổng giá trị 18 tỷ USD - tương đương 3% tổng kim ngạch xuất khẩu thường niên từ Trung Quốc sang Mỹ. Ở chiều ngược lại, Mỹ chịu thiệt hại nặng nề hơn, khi lượng hàng xuất sang Trung Quốc bị áp thuế giảm 38%, với tổng giá trị 23 tỷ USD - tương đương 15% tổng kim ngạch xuất khẩu thường niên từ Mỹ sang Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Uỷ ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), lượng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đã sớm sụt giảm sau khi Bắc Kinh áp thuế lên hàng hóa Mỹ để trả đũa động thái của Tổng thống Donald Trump vào tháng 7 năm ngoái, với mục tiêu giảm thuế trừng phạt trên một loạt hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Đến cuối năm, giá trị hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm gần 4 tỷ USD so với 12 tháng trước đó. Trong khi đó, phải mất bốn tháng sau, lượng xuất khẩu của Trung Quốc trên khắp Thái Bình Dương mới bắt đầu giảm xuống rõ rệt, với giá trị thiệt hại vượt mức 4 tỷ USD vào đầu năm 2019.

Hàng rào thuế quan tác động tới Mỹ trước, khi xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 7/2018, trong khi phải tới tháng 9/2018, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ mới bắt đầu giảm. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo ông Gary Clyde Hufbauer - một chuyên gia cấp cao không thường trực thuộc Viên Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, sự chênh lệch về mặt thời gian nói trên nằm ở sự khác biệt của những mặt hàng mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xuất sang nhau.

Trung Quốc chủ yếu áp thuế lên các sản phẩm nông nghiệp và nhiên liệu hóa thạch của Mỹ - những mặt hàng với nguồn cung thay thế có thể dễ dàng tìm được từ các quốc gia khác. Ngược lại, các mặt hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ lại là những sản phẩm đặc thù, mà không dễ tìm ra nguồn thay thế từ các nước khác với giá thành thấp tương đương.

Được biết, các mặt hàng Trung Quốc bị Washington áp thuế chủ yếu là những mặt hàng công nghiệp, sử dụng cho các mục đích đặc biệt, như van giảm áp, cáp điện, mạch tích hợp và cầu chì. Tất cả các mặt hàng trung gian của Trung Quốc đều được tích hợp trong chuỗi cung ứng cho hầu như tất cả sản phẩm công nghiệp.

Điều này dẫn đến việc các nguyên vật liệu thường phải di chuyển qua lại nhiều lần trên Thái Bình Dương trước khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Và, với việc hàng rào thuế quan nhiều khả năng sẽ tiếp tục được giữ nguyên, chí ít là trong thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu ở cả hai nước đang chịu áp lực vừa phải né thuế, vừa phải duy trì chi phí ở mức thấp.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu dịch chuyển 

Gerry Mattios - Phó chủ tịch Công ty tư vấn quản trị quốc tế Bain & Company - cho biết, các công ty thoạt đầu quyết định chờ đợi diễn biến của thương chiến hiện đã và đang bắt đầu sắp xếp lại chuỗi cung ứng của mình. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang chuyển dần cơ sở ra khỏi Trung Quốc.

Đơn cử như Goertek - một nhà sản xuất điện tử lớn của Trung Quốc, nơi lắp ráp AirPods cho Apple - đã bắt đầu xây dựng nhà máy ở phía Bắc Việt Nam. Khi ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường dịch chuyển cơ sở và dây chuyền sản xuất để bảo vệ hoạt động của mình khỏi hàng rào thuế quan, thiệt hại cho Bắc Kinh sẽ ngày một lớn.

Rõ ràng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến bức tranh nông nghiệp toàn cầu thay đổi rõ rệt. Từ tháng 7/2018 đến tháng 4 năm nay, xuất khẩu đậu nành của Brazil và những loại hạt dầu khác sang Trung Quốc đã tăng 48% trong năm; và xuất khẩu của Canada vào Trung Quốc cũng tăng 52%. Một số chuyên gia còn cho rằng, Brazil sẽ mở rộng diện tích đất nông nghiệp thêm 13 triệu mét vuông chỉ để đáp ứng nhu cầu đậu nành cho Trung Quốc.

Ở một diễn biến khác, trong khi xuất khẩu nhiên liệu của Mỹ đã giảm gần 50% sau khi chịu mức thuế 25% từ Trung Quốc, xuất khẩu năng lượng của Ả Rập Saudi sang Trung Quốc đã tăng 51% và Nga tăng 40%. Với việc Washington và Bắc Kinh tiếp tục ăn miếng trả miếng, nhiều quốc gia sở hữu thế mạnh về sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên đang hướng mục tiêu xuất khẩu của mình sang thị trường khổng lồ là Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam, Mexico và Hàn Quốc đang tăng cường xuất khẩu thiết bị điện tử và máy móc sang Mỹ, thế chỗ cho các nhà cung cấp Trung Quốc bị áp thuế. Từ tháng 7/2018 tới tháng 4/2019, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng 20% so với cùng kỳ, khi Mỹ bắt đầu áp thuế đợt một lên hàng hóa Trung Quốc.

Tin liên quan
Tin khác