Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, tinh thần trọng người tài đức chính là một trong những yếu tố cốt lõi để đất nước ta đạt những thành tựu chói lọi trong công cuộc dựng nước và giữ nước, để dân tộc ta trường tồn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi gặp mặt, chúc Tết các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước dịp Tết Ất Mùi |
Ngay từ trong cuộc kháng chiến xâm lược, những nhân sĩ, trí thức tên tuổi như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn đã không nề thân thế của mình, tham gia Chính phủ lâm thời để giúp nước; hay các nhà khoa học tài năng như Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa… từ bỏ cuộc sống ở hải ngoại, trở về hòa mình vào cuộc kháng chiến, kiến quốc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chèo lái.
Trong công cuộc Đổi mới, không ai khác, chính giới trí thức, các nhà học đã đem tài năng, trí tuệ và tinh thần phản biện khoa học, không ngừng sáng tạo tri thức mới của mình để đóng góp cho đất nước, tạo nên bước chuyển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, làm nên vị thế Việt Nam hôm nay.
Trong bối cảnh mới, yêu cầu đặt ra là phải phát huy tốt nhất vai trò của đội ngũ trí thức đông đảo lên tới hàng triệu người, bao gồm hàng trăm ngàn trí thức là Việt kiều đang định cư, làm việc ở nước ngoài. Họ chính là nguồn lực to lớn, được đào tạo bài bản, cập nhật tri thức, khoa học, công nghệ tiên tiến và luôn tâm huyết góp tài trí của mình để xây dựng nước nhà.
Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X (tháng 7/2008), Đảng ta đã ra nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, thể hiện rõ những quan điểm lớn về xây dựng đội ngũ trí thức những năm tới. Trong công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế đang triển khai, một trong ba khâu đột phá cũng đã được xác định, đó chính là đột phá nguồn nhân lực.
Như vậy, vấn đề còn lại là phải sớm biến những chủ trương đúng đắn trong nghị quyết thành hành động thực tiễn của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Trước hết, cần có cơ chế tiếp thu, trao đổi thẳng thắn những nghiên cứu, đề xuất, phản hồi của đội ngũ trí thức, nhằm phát huy cao nhất những giá trị phản biện độc lập của họ, tránh dân chủ hình thức. Với giới trí thức, phản biện khoa học chuyên sâu chính là động lực sáng tạo, là cái gốc để phát hiện kịp thời những bất cập, để tạo ra cái mới, thôi thúc sự phát triển. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế, chính sách tôn vinh kịp thời nhân tài, trí thức và những sáng tạo khoa học thiết thực của họ, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần sáng tạo, nghiên cứu độc lập của giới trí thức.
Cùng với tôn vinh, câu chuyện chính sách đãi ngộ hợp lý, đảm bảo cho giới trí thức, khoa học có đủ điều kiện yên tâm làm việc, cống hiến đến nay vẫn là bài toán cũ. Những cơ chế chính sách về tiền lương, quy chế khen thưởng đã nhắc tới điều này, nhưng thực tế còn nhiều bất cập, chưa thúc đẩy, khuyến khích được giới trí thức sáng tạo, nghiên cứu.
Song đãi ngộ phù hợp phải được phân biệt rõ ràng với tư duy cho rằng, giới trí thức luôn đòi hỏi sự đãi ngộ. Với giới trí thức chân chính, quá nhấn mạnh sự đãi ngộ, coi đó là yếu tố duy nhất có thể là một sự xúc phạm tinh thần làm khoa học của họ. Ở góc độ này, bài học Chủ tịch Hồ Chí Minh thu hút, trọng dụng các nhà khoa học hàng đầu như Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa trong những năm tháng đất nước vô vàn khó khăn, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Huy Hào