Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Ảnh: Reuters |
Việc cắt giảm được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý II/2024 thấp hơn dự kiến vào tuần trước. Theo công bố của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý II của nước này tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,1% mà các nhà kinh tế dự báo với Reuters.
Cũng theo Reuters, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà giảm phát và phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, nợ nần chồng chất và tâm lý tiêu dùng và kinh doanh suy yếu. Căng thẳng thương mại cũng đang bùng phát khi các nhà lãnh đạo toàn cầu ngày càng cảnh giác trước sự thống trị xuất khẩu của Trung Quốc.
Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: "Việc cắt giảm hôm nay là một động thái bất ngờ, có thể là do đà tăng trưởng chậm lại trong quý II cũng như lời kêu gọi 'đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay' tại hội nghị lần thứ ba (Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX - BTV)".
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 22/7 cho biết họ sẽ cắt giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,8% xuống 1,7% và đồng thời cải thiện cơ chế hoạt động thị trường mở.
Ngay sau quyết định trên, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản với cùng mức lãi suất ấn định hàng tháng. Theo đó, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm đã giảm xuống 3,35%, từ mức 3,45% trước đó, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm giảm xuống 3,85%, từ mức 3,95%.
Bà Ju Wang, trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá và ngoại hối thị trường Trung Quốc tại BNP Paribas, cho rằng kỳ vọng ngày càng lớn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, sẽ tạo cơ hội cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách của mình, do áp lực mà đồng nhân dân tệ phải chịu do chênh lệch lợi suất lớn với đồng đô la Mỹ.
Tân Hoa xã trích dẫn các nguồn tin giấu tên thân cận với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết động thái cắt giảm lãi suất mang tính "quyết định" trên cho thấy quyết tâm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và đáp lại mục tiêu của Hội nghị Trung ương 3 khóa XX là đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã điều chỉnh chương trình cho vay. Theo đó, các yêu cầu về tài sản thế chấp đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn sẽ được hạ thấp từ tháng 7.
Các nhà phân tích cho biết, điều đó có nghĩa là các ngân hàng thương mại ở Trung Quốc sẽ cần nắm giữ ít trái phiếu dài hạn hơn cho nhu cầu thế chấp và có thể bán hoặc giao dịch nhiều hơn, giúp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực hiện sứ mệnh đặt mức sàn cho lợi suất dài hạn, kiềm chế bong bóng trái phiếu và có được đường cong lợi suất dốc hơn.
Sau khi cắt giảm lãi suất, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất gần hai tuần, về mức 7,2750 CNY đổi 1 USD.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc cũng đã giảm, với kỳ hạn 10 năm và 30 năm giảm tới 3 điểm cơ bản, trước khi ổn định ở mức tương ứng 2,24% và 2,45%.
Hợp đồng tương lai trái phiếu kho bạc Trung Quốc kỳ hạn 30 năm, giao vào tháng 9/2024, đã tăng khoảng 0,3% trong phiên giao dịch sớm vào ngày 22/7.
Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, cho biết: "Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không đợi Fed cắt giảm lãi suất trước cho thấy chính phủ nước này nhận ra áp lực suy giảm đối với nền kinh tế Trung Quốc".
Ông Zhang Zhiwei kỳ vọng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất nhiều hơn sau khi Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố, việc cắt giảm lãi suất nhằm mục đích "tăng cường các điều chỉnh ngược chu kỳ để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế thực". Tuyên bố này được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết họ sẽ cải tổ kênh truyền tải chính sách tiền tệ của mình.
"Đây cũng là sự phản ánh sự cải thiện của cơ chế lãi suất theo định hướng thị trường", Tân Hoa xã dẫn nguồn tin cho biết.