Nhân dân tệ được dự báo có thể trượt giá tới 7,3 CNY/USD. Ảnh: AFP |
Phá giá đến 7,3 CNY/USD?
Lập luận trên của giới tài chính không phải không có lý bởi kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép tăng trưởng chững lại mà mới đây người đứng đầu Quốc vụ viện đã lên tiếng thừa nhận rất khó để giữ tăng trưởng ở mức 6,2% hoặc cao hơn, chưa kể các tác động bên ngoài từ đồng Euro hay USD. Việc Trung Quốc chọn đấu pháp tiền tệ ra sao trong thời gian tới và vận dụng chiến thuật “mặc cả” thế nào trong đám phán thương mại Mỹ - Trung vào đầu tháng 10 tới đang là tâm điểm chú ý của giới kinh doanh và đầu tư.
Kể từ năm 2008, Bắc Kinh luôn chủ động can thiệp để giữ tỷ giá dưới mức 7 CNY/USD. Cho đến ngày 5/8, giới đầu tư kinh doanh trở nên “bất an” khi đồng tệ bất ngờ xuyên ngưỡng 7 CNY/USD.
Tổng quan lại, đồng tệ mất giá 3,8% trong tháng 8. Đây là mức thấp kỷ lục của một tháng trong vòng 25 năm qua. Cú trượt giá kỷ lục của nhân dân tệ khiến Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bác bỏ cáo buộc trên. Thực tế, nỗ lực của ngân hàng này để cứu đồng tệ trong tháng 9 cho thấy biến động tỷ giá không hoàn toàn bị “bỏ rơi”.
Trước các pha trượt giá thời gian qua, nhiều nguồn tin trong giới chính sách cũng như các nhà phân tích tài chính đều không tin lần này Bắc Kinh sẽ “găm” tỷ giá nhân dân tệ vào biên độ mặc định.
“Khả năng các nhà hoạch định chính sách (Trung Quốc) tự thiết lập ngưỡng tỷ giá là khó xảy ra, bà Frances Cheung, chuyên gia kinh tế châu Á tại Tập đoàn ngân hàng Westpac Bank Corporation (Singapore) nhận định.
“Họ đã nỗ lực để (tạo ngưỡng tỷ giá)… và tránh biến động thị trường và hiện tượng rút vốn ồ ạt; do đó, sẽ không khôn ngoan nếu tự áp ngưỡng tỷ giá, bà Cheung nói. Nữ chuyên gia cũng dự báo nhân dân tệ sẽ trượt giá xuống 7,3 CNY/USD vào cuối năm nay.
Điều này đồng nghĩa đồng tệ sẽ mất giá hơn 2% so với mức hiện tại. Tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc hôm qua 26/9 xuống thấp nhất trong 3 tuần gần đây - 7,1315 CNY/USD, giảm 6,4% kể từ tháng 6.
Tỷ giá NDF (giao dịch ngoại hối kỳ hạn không trao đổi vốn gốc) đứng ở mức 7,19 CNY/USD trong năm. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng tỷ giá này còn tiếp tục đi xuống và họ không tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẵn sàng “tháo cùm” cho đồng tệ.
“Một số người dự đoán rằng đồng tệ có thể trượt xuống còn 7,2-7,3 CYN/USD nếu thương chiến Mỹ - Trung diễn biến xấu đi. Chúng tôi không loại trừ khả năng này,” ông Yu Yongding, cựu cố vấn chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng đồng tệ sẽ không thể trượt giá sâu thêm nữa, ông Yongding nhận định.
Một nguồn tin khác cho rằng sẽ khó khăn hơn cho chính quyền (Trung Quốc) để can thiệp vào thị trường tiền tệ ngày càng hoạt động theo định hướng thị trường.
Về trung và dài hạn, một khi tỷ giá đã xuyên thủng mức 7 CNY/USD, chẳng ai tin mức 7,1-7,2 CNY/USD sẽ là đáy, nhưng khả năng phá đáy tới mức 7,3 CNY /USD là rất ít, nguồn tin này nhấn mạnh.
Trở thành vũ khí
Các dự báo nhân dân tệ tiếp tục trượt giá đều dựa trên quan điểm cho rằng thương chiến Mỹ - Trung sẽ kéo dài đến năm 2020 và gây tổn thất lớn đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc.
Trong khi đó, có ý kiến nhận định, nếu không vì những lo ngại thiệt hại trên và đồng tệ vẫn duy trì sức mạnh, Trung Quốc sẽ vẫn có thặng dư thương mại một cách lành mạnh và vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ ồ ạt vào thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc đại lục.
Đối với đồng tiền được kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ chế tỷ giá trung tâm hàng ngày và giao dịch nhóm như nhân dân tệ, thì việc xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD được cho là cách giải phóng áp lực và là lời khuyên rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể dùng đồng tệ làm “lớp đệm” cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc trước các cú sốc thuế quan từ Mỹ.
Cliff Tan, chuyên gia nghiên cứu khu vực Đông Á của Ngân hàng MUFG Bank (Hong Kong) cho rằng sự suy yếu của nhân dân tệ phản ánh đúng các nguyên lý cơ bản của kinh tế, nhưng có thể được dùng để cảnh báo Mỹ rằng nhân dân tệ hoàn toàn có thể trượt giá sâu hơn nữa. “Có thể coi nó (nhân dân tệ) như ‘bảo bối’ để Trung Quốc phòng phủ trong đàm phán thương mại với Mỹ".
Bắc Kinh đã thời gian dài cố gắng khẳng định nhân dân tệ không phải là vũ khí đối phó với thuế quan của Mỹ và việc biến đồng tệ thành vũ khí cho cuộc chiến thương mại sẽ gây bất ổn lên kinh tế Trung Quốc. Việc xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD được cho là hành động phản ứng đối với căng thẳng thương mại với Washington leo thang.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, những yếu tố nội tại của nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại và giao dịch thương mại sụt giảm, cùng với các tác động bên ngoài như đồng Euro suy yếu hoặc USD lên giá…sẽ kéo nhân dân tệ xuống giá bằng mọi cách.
Tháng này, chỉ số nhân dân tệ so với 24 đồng tiền mạnh khác đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2015.
Chi Lo, chuyên gia kinh tế cao cấp tại hãng quản lý tài sản BNP Paribas Asset Management cho biết, dù Bắc Kinh chưa bao giờ tìm cách phá giá nhân dân tệ và không đặt mục tiêu cho việc này, nhưng thương chiến Mỹ - Trung leo thang vẫn có thể kéo tỷ giá xuống tới 7,5 CNY/USD. Điều này có thể tốt cho Trung Quốc, ông Lo nói.
“Chỉ khi Trung Quốc thành công trong việc gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán Mỹ…thì đó sẽ là cách buộc ông Trump quay trở lại đàm phán và đi đến thỏa thuận,” chuyên gia Chi Lo tin tưởng.