Xe điện BYD tập kết tại bến container quốc tế thuộc cảng Thái Thương, thành phố Tô Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Trung Quốc cho biết họ đang phản đối "các khoản trợ cấp mang tính phân biệt đối xử" theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) bởi Bắc Kinh cho rằng các khoản trợ cấp đó dẫn đến việc loại trừ hàng hóa từ Trung Quốc và các nước thành viên khác của WTO.
Đạo luật IRA có phạm vi rộng, cung cấp hàng tỷ USD tín dụng thuế để giúp người tiêu dùng mua xe điện và hỗ trợ các công ty sản xuất năng lượng tái tạo. Đạo luật được ban hành năm 2022 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt mục tiêu khử cacbon cho ngành năng lượng hùng mạnh của nước này.
Phái đoàn Trung Quốc cho rằng: "Dưới vỏ bọc là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, (những khoản trợ cấp này) trên thực tế phụ thuộc vào việc mua và sử dụng hàng hóa từ Mỹ hoặc nhập khẩu từ một số khu vực cụ thể".
Phái đoàn Trung Quốc cho biết họ đang tiến hành các thủ tục tố tụng "để bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc và duy trì một sân chơi cạnh tranh công bằng cho thị trường toàn cầu".
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, cho biết Washington đang xem xét yêu cầu tham vấn của Trung Quốc tại WTO "liên quan đến các phần của Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 và các biện pháp thực thi đạo luật này".
Bà Tai khẳng định trong một tuyên bố rằng đạo luật IRA đang đóng góp cho "tương lai năng lượng sạch mà chúng tôi đang cùng các đồng minh và đối tác của mình tìm kiếm". Đại diện Thương mại Mỹ cáo buộc Trung Quốc sử dụng những gì bà mô tả là “chính sách không công bằng, phi thị trường” để tạo lợi thế cho các nhà sản xuất Trung Quốc.
Một quan chức của WTO xác nhận rằng đã nhận được yêu cầu tham vấn tranh chấp về vấn đề này từ Trung Quốc nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cơ quan này kêu gọi Washington "nhanh chóng điều chỉnh các chính sách công nghiệp mang tính phân biệt đối xử và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới".
Việc ban hành các phán quyết của WTO về tranh chấp thương mại được cho là sẽ mất 6 tháng sau khi hội đồng xét xử được thành lập, nhưng thường mất nhiều thời gian hơn thế.
Nếu phán quyết của WTO có lợi cho Trung Quốc, Washington có thể kháng cáo quyết định đó vô hiệu về mặt pháp lý kể từ tháng 12/2019 khi cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO ngừng hoạt động do Mỹ phản đối việc bổ nhiệm thẩm phán. Trước đó, Mỹ kêu gọi cải cách Cơ quan phúc thẩm của WTO mà nước này cáo buộc là đã vượt quá tầm và các cuộc đàm phán về vấn đề này đang được tiến hành nhưng gặp nhiều trở ngại.