Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giới chức Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế khi phải đối mặt với một loạt “cơn gió ngược”, trong đó có cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng mạnh và sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.
PBoC cho biết lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm được giảm từ 4,2% xuống 3,95%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2023. Theo Bloomberg, đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi lãi suất này được áp dụng vào năm 2019, và thấp hơn mức dự đoán trước đó của giới chuyên gia.
Lãi suất LPR kỳ hạn một năm, được xem là lãi suất tiêu chuẩn cho các khoản vay doanh nghiệp, được giữ nguyên ở mức 3,45%. Lần gần nhất PBoC giảm lãi suất LPR kỳ hạn một năm là vào tháng 8/2023.
Động thái nói trên của PBoC là nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cấp nhiều tín dụng hơn với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Quyết định này của Trung Quốc trái ngược với phần lớn các nền kinh tế lớn khác, nới lãi suất được tăng lên để kiềm chế lạm phát.
PBoC hạ lãi suất sau một loạt các chỉ báo trái chiều cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận một trong những mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ năm 1990, làm giảm kỳ vọng về một sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch COVID-19.
Hoạt động kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản, một động lực tăng trưởng chủ chốt lâu nay vẫn chiếm hơn 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Tháng Một, giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn 14 năm, gia tăng áp lực để chính phủ nước này đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn để vực dậy nền kinh tế. Giảm phát có thể cản trở khả năng sinh lời của doanh nghiệp và tác động tiêu cực đến việc làm và nhu cầu trong dài hạn.
Tháng trước, Trung Quốc cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Trong những tháng gần đây, giới chức nước này đã công bố một loạt các biện pháp cho chủ đích, cũng như phát hành hàng tỷ USD trái phiếu chính phủ , nhằm tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hoạt động tiêu dùng. Nhưng cùng với việc hạ lãi suất và các biện pháp thúc đẩy cho vay của PBoC, các biện pháp này cho đến nay đều chưa phát huy nhiều tác dụng.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn có những điểm sáng nhất định. Số liệu chính thức mới đây cho thấy hoạt động tiêu dùng đã phục hồi trong dịp Tết âm lịch vừa qua khi vượt cả các mức trước đại dịch. Nhưng giới phân tích cảnh báo rằng dịp Tết âm lịch năm nay dài hơn bình thường, khiến cho việc so sánh có thể trở nên khập khiễng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 8/2 cho thấy, giá tiêu dùng tại Trung Quốc trong tháng 1/2024 giảm mạnh nhất trong hơn 14 năm, khi các nhà lãnh đạo nước này nỗ lực thúc đẩy lòng tin tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng tại nước này giảm 0,8% trong tháng trước, tháng giảm phát thứ tư liên tiếp, so với dự báo giảm 0,5% theo khảo sát của Bloomberg News. Mức giảm trên là mạnh nhất kể từ nửa cuối năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, chỉ số giá của nhà sản xuất giảm 2,5%.
Theo NBS, tình trạng sụt giảm mạnh là do giá cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm ngoái cao. Trung Quốc rơi vào giảm phát vào tháng 7/2023, lần đầu tiên kể từ năm 2021 và giá chỉ tăng vào tháng 8/2023, sau đó liên tục giảm.