Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP |
Động thái trên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) diễn ra sau những bất định liên quan đến thời điểm nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Reuters đưa tin, Trung Quốc đang thực hiện một biện pháp cân bằng tinh tế để hỗ trợ nền kinh tế vào thời điểm mà các dấu hiệu về áp lực giảm phát dai dẳng đang đòi hỏi phải có thêm các biện pháp kích thích. Thế nhưng, bất kỳ chuyển động tiền tệ tích cực nào cũng có nguy cơ làm hồi sinh áp lực giảm phát đối với đồng nhân dân tệ và khiến dòng vốn rời thị trường này.
Với khả năng Fed lùi kích hoạt chính sách nới lỏng tiền tệ đến giữa năm nay thay vì từ tháng 3, các nhà giao dịch và giới phân tích dự đoán Trung Quốc có thể trì hoãn việc triển khai các biện pháp kích thích sắp tới.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất 2,50% áp dụng cho các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm trị giá gần 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 69,51 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính.
Quyết định lãi suất ngày 18/2 nhằm "duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý", Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nêu trong một tuyên bố đăng tải trực tuyến.
Trong một cuộc thăm dò của Reuters với 31 nhà phân tích, thì 22 nhà phân tích (chiếm 71%) đã dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giữ nguyên lãi suất đối với các khoản vay MLF kỳ hạn 1 năm trong quyết định chính sách ngày 18/2.
Các khoản vay MLF trị giá 499 tỷ nhân dân tệ sẽ đáo hạn trong tháng này, nên động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giúp bơm ròng 1 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng.
Ông Chang Wei Liang, chiến lược gia tín dụng và ngoại hối tại ngân hàng DBS, cho rằng lãi suất đối với các khoản vay MLF được giữ ổn định là do "các nhà hoạch định chính sách ưu tiên giữ ổn định đồng nhân dân tệ và hạn chế chênh lệch tỷ giá âm với đồng đô la Mỹ".
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư và quan sát thị trường lại đặt nhiều kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ áp các biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong những tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi Ngân hàng Trung ương cắt giảm sâu tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại vào đầu tháng này.
Trong báo cáo thực thi chính sách tiền tệ mới nhất của mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định họ sẽ giữ chính sách linh hoạt để thúc đẩy nhu cầu trong nước, đồng thời duy trì sự ổn định giá cả.
Ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại tập đoàn tài chính Nomura, cho biết: "Chúng tôi tiếp tục mong đợi hai đợt cắt giảm lãi suất trong quý I và quý II, với 15 điểm cơ bản cho mỗi đợt đối với cả hoạt động thị trường mở (OMO) và lãi suất MLF".
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Ting Lu, các biện pháp nới lỏng gần đây nhất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, bao gồm cả việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sớm hơn dự kiến đối với các ngân hàng thương mại, “đã không ổn định được tâm lý thị trường”.
Tờ Financial News do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hậu thuẫn hôm 18//2 đã dẫn lời một số nhà quan sát thị trường cho biết lãi suất cho vay cơ bản (LPR) có thể giảm trong những ngày tới, trong đó lãi suất kỳ hạn 5 năm nhiều khả năng sẽ giảm.
Ngay sau quyết định lãi suất MLF của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Financial News đăng tải trên tài khoản WeChat chính thức của tờ này rằng: “Giảm lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm sẽ giúp ổn định niềm tin, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản”.
Hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên lãi suất LPR kỳ hạn 1 năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 5 năm lại có sức ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp. Lãi suất LPR hàng tháng tại Trung Quốc sẽ được ấn định vào ngày 20/2.