Dự án Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1, với công suất 1.200 MW, là công trình điện đầu tiên mà các đối tác đến từ Trung Quốc là những nhà đầu tư chính. Công ty Lưới điện Phương Nam (CSG) và Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH) chiếm tới 95% vốn trong dự án này. 5% còn lại do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đảm nhiệm.
| ||
Bên cạnh các nhà máy nhiệt điện hiện hữu, Việt Nam đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án nhiệt điện mới. (Ảnh: Đ.T) |
Vào cuối tháng 12/2012, các hợp đồng đầu tư theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), bảo lãnh Chính phủ đã được Bộ Công thương ký tắt với chủ đầu tư, phục vụ việc hoàn tất hồ sơ để xin cấp phép.
Khi đó, ông Vương Bân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CSG cho hay, sau khi được cấp phép đầu tư, các nhà đầu tư sẽ tiến hành thu xếp tài chính và bước vào xây dựng, với mục tiêu đưa Dự án vào vận hành cuối năm 2017.
Ước tính, vốn đầu tư cho dự án này là 1,6 - 1,7 tỷ USD.
Khác với Dự án BOT Vĩnh Tân 1, nơi các nhà đầu tư Trung Quốc đã theo đuổi dự án từ sơ khai, năm 2006, tại Dự án BOT Mông Dương 2, công suất 1.200 MW ở Quảng Ninh, Tập đoàn Đầu tư của Trung Quốc (CIC), sau khi được Tập đoàn AES (Mỹ) nhượng lại 19% cổ phần, đã chính thức trở thành một trong 3 nhà đầu tư.
Lý giải việc chọn nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, ông Ian Fox, Tổng giám đốc AES tại Việt Nam khi đó đã cho biết, Chính phủ Mỹ không ủng hộ đối với các dự án nhiệt điện tiêu thụ nhiều than, do đó không bảo lãnh cho dự án dạng này. Vì vậy, AES đã tìm kiếm những cơ hội hợp tác và lựa chọn được CIC - một quỹ đầu tư nhà nước của Trung Quốc, đồng thời là cổ đông của AES tại Mỹ.
Ở dự án BOT điện khác là Hải Dương, cùng quy mô 1.200 MW và cũng hứa hẹn đón thêm sự tham gia gián tiếp của đối tác đến từ Trung Quốc là Wuhan Kaidi Electric Power Engineering Company (Kaidi). Dự án BOT Hải Dương đã khởi công vào tháng 9/2011, nhưng vẫn đang tiến hành thu xếp tài chính. Như vậy, chỉ tới khi kết thúc thu xếp tài chính vào tháng 10/2013 thì mới biết các ông chủ chính thức.
Theo các chuyên gia đàm phán BOT của Bộ Công thương, các hợp đồng liên quan trong dự án điện BOT rất chặt chẽ, dựa trên nhiều thông lệ quốc tế và được các tổ chức tài chính nước ngoài cho vay tính toán chi ly trong từng điều khoản, nên nhà đầu tư không thể tự tung, tự tác theo ý mình khi hợp đồng đã ký.
Ba dự án BOT nói trên nằm trong số gần 20 dự án BOT của ngành điện đang triển khai đầu tư hoặc đàm phán.
Ngoài việc có mặt tại một số dự án điện BOT, doanh nghiệp Trung Quốc còn hiện diện tại một số công trình điện khác, với tư cách là nơi chế tạo thiết bị cho các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới với chi phí cạnh tranh.
Trường hợp Alstom (Pháp) trong Dự án Thủy điện Sơn La là một ví dụ. Tại dự án này, phần quản lý, quy trình, quy phạm do Alstom đảm nhận và đứng đầu tổ hợp, còn thiết bị được cung cấp từ Nhà máy Alstom Thiên Tân (Trung Quốc), với giá chào hấp dẫn nhất so với các nhà thầu quốc tế khác.
Ở một số dự án điện khác như Nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê, các nhà thầu Trung Quốc là một tác nhân không nhỏ trong thu xếp nguồn vốn vay để triển khai dự án. Các dự án này chủ yếu vay tín dụng từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Một số dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, như Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và 2, Dự án Hải Phòng 1 và 2, Dự án Nhiệt điện Uông Bí mở rộng cũng có vay vốn từ ngân hàng này.
Trong điều kiện nguồn vốn trong nước chưa nhiều, các dòng vốn bên ngoài đến từ Mỹ hay các nước châu Âu cũng đang gặp nhiều khó khăn, thì sự dồi dào về vốn của Trung Quốc được các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nhiều nước khác quan tâm.
Theo các nguồn tin, trong quý I/2013, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm 131 tỷ USD, lên mức 3.440 tỷ USD, trở thành nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Chính nguồn dự trữ khổng lồ này đã giúp Trung Quốc có điều kiện tăng đầu tư ra nước ngoài, trong đó có các dự án tại Việt Nam.
Hoàng Nam