Ảnh minh họa. (Internet) |
Trái tim của cuộc chuyển đổi số
Trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế về hạ tầng, nhân lực, nhiều hệ thống công nghệ thông tin được đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo an ninh an toàn. Nhiều cơ sở dữ liệu chưa được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chưa được chuẩn hóa để kết nối, chia sẻ, khai thác dùng chung... Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia tại Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu thế của thế giới và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Trên thế giới, nhiều nước tiên tiến đã xây dựng các trung tâm dữ liệu tập trung và các hệ thống cơ sở dữ liệu. Ví dụ Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động 3 trung tâm dữ liệu lớn gồm hệ thống của 79 bộ, ngành, địa phương và các tổ chức; Nhật Bản đã xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu để tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính các cấp kết nối, khai thác, chia sẻ phục vụ quản trị quốc gia; Ấn Độ xây dựng Trung tâm Dữ liệu lớn gồm 5 trung tâm dữ liệu thành phần để cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin tập trung cho Chính phủ nhằm phân tích dữ liệu chuyên sâu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và học máy…
Ông Kim Young Ki, Giám đốc Công ty KMAC cũng cho biết, trung tâm dữ liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng chính phủ số tại Hàn Quốc. Hầu hết các trung tâm dữ liệu đều được nhà nước vận hành, có 49 cơ quan trung ương tham gia vào trung tâm dữ liệu quốc gia.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia nhận định, với sự gia tăng vượt bậc về lưu trữ dữ liệu và nhu cầu tăng cường an ninh, bảo mật thông tin, việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia là một ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia, không chỉ để đáp ứng nhu cầu lưu trữ thông tin mà còn để đảm bảo an ninh và chủ quyền về dữ liệu.
Các trung tâm này được thiết kế với các tiêu chuẩn cao về hiệu suất, độ tin cậy và bảo mật, đồng thời được trang bị các công nghệ tiên tiến như ảo hóa, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa việc quản lý và khai thác dữ liệu, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ của một quốc gia, đồng thời cung cấp nền tảng cho các dự án quan trọng như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), Big Data…
PGS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách khoa) cho rằng, kết nối và chia sẻ dữ liệu hiệu quả cần đặt người dân là trung tâm; chính sách, pháp luật và lộ trình triển khai rõ ràng cùng với việc xây dựng hạ tầng công nghệ đầu tư cần trọng điểm, hiệu quả, đảm bảo hiệu năng, tính tương thích, liên thông, an toàn, bảo mật.
Gấp rút hoàn thành
Tháng 1/2023, tại Thông báo số 16, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình, xin chủ trương Chính phủ về đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Tại Văn bản số 452/TTg-KSTT, ngày 23/5/2023 về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công an bổ sung các cơ sở pháp lý xây dựng, triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, hoàn thiện nội dung về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị định của Chính phủ quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia. Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông và Nghị định nêu trên do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, quản lý và vận hành Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Lộ trình thực hiện Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia với 3 giai đoạn: Giai đoạn I xây dựng cơ sở (từ năm 2023 - 2025); Giai đoạn II là mở rộng (từ năm 2026 - 2028); Giai đoạn III phát triển (từ năm 2029 - 2030).
Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ bao gồm hạ tầng vận hành và hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai các hệ thống của Trung tâm Dữ liệu quốc gia cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng và triển khai Nền tảng tích hợp, đồng bộ dữ liệu chuyên dụng, xây dựng kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp
“Chúng ta xây dựng trung tâm này, nhưng vẫn phải cần có những trung tâm dữ liệu thành viên, vệ tinh khác, bởi đây là trung tâm chính để thu nạp, kết nối chia sẻ”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định tại Hội thảo cấp quốc gia về xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia mới đây.
Góp ý xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia, GS-TS. Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) cho rằng, có nhiều thách thức trong xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia như Cơ sở dữ liệu quốc gia phải kết nối được với nhau (chiều ngang và dọc) để khi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải “cần là có” dữ liệu.