Trao đổi với phóng viên baodautu.vn, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, UBND TP. Cần Thơ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ (Trung tâm).
Mục tiêu nhằm hình thành một Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; thu hút dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản.
Dự kiến vị trí quy hoạch Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ |
Theo Đề án, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm được thực hiện như sau:
Năm 2022, lập Đề án thành lập Trung tâm, lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội ngành nghề có liên quan và các địa phương trong vùng.
Năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm; tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển Trung tâm giai đoạn 1, Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1:2000, trong đó có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng Trung tâm và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng….; xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động trung tâm theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội như: cơ chế bù giá do miễn giảm tiền thuê đất; cơ chế khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng vùng…
Năm 2023-2024, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư (khoảng 30/50 ha Khu 1 và khoảng 100/200 ha Khu 2) và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng vào hoạt động trên cơ sở các chức năng phân khu đã xác định theo quy hoạch 1:2000.
Trong quá trình này, sẽ đồng thời xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong Trung tâm; đồng thời có thể tiến hành các hoạt động xây dựng nhà xưởng, lắp ráp máy móc, trang thiết bị để sẵn sàng đưa vào hoạt động cùng lúc với các hoạt động khác của Trung tâm.
Tiếp tục các hoạt động đầu tư vào Trung tâm và hoạt động của các doanh nghiệp trong Trung tâm. Tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và báo cáo Quốc hội theo quy định.
Năm 2025, hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước... để đưa Trung tâm vào hoạt động một cách toàn diện. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trong Trung tâm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, mở rộng thị trường, đồng thời cập nhật các công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Năm 2026 là giai đoạn quyết liệt nhất, vừa là năm then chốt để xác định, đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm, cùng hiệu quả của Chính sách đặc thù đối với thành phố, đồng thời đây cũng là năm đầu tiên nhiệm kỳ 2026 - 2030 của Đại hội Đảng các cấp, do đó phải tập trung hết sức để đẩy nhanh công suất, hiệu quả toàn bộ các hoạt động của Trung tâm lên mức cao nhất có thể.
Năm 2027, tiếp tục phát huy những giá trị đạt được từ năm 2026 để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, chuẩn bị cho thời kỳ tiếp theo sau khi tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động toàn bộ Trung tâm cũng như Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội.
Về mô hình hoạt động và quản lý của Trung tâm, theo Đề án, Trung tâm là một khu vực sản xuất kinh doanh, sẽ do cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án sản xuất kinh doanh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trường hợp này, Trung tâm không phải là khu công nghiệp, dự án sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý theo quy định tại Điều 39 của Luật Đầu tư. Theo đó, không thành lập mới cơ quan quản lý nhà nước đối với Trung tâm.