Chính quyền Hong Kong đang chi 30 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 3,8 tỷ USD) để thu hút các doanh nghiệp toàn cầu và nhân tài mới. Ảnh: AFP |
Đặc khu trưởng Lý Gia Siêu (John Lee) cũng đánh giá rằng, Hồng Kông - trung tâm tài chính châu Á - đã hoạt động trở lại.
Hai ngày sau Hội nghị thượng đỉnh tài chính hào nhoáng trên, hàng chục ngàn người hâm mộ bóng bầu dục đã đổ về sân vận động lớn nhất của Hồng Kông để tham dự Hồng Kông Sevens - sự kiện thể thao thường niên lớn nhất và sôi động nhất đã bị trì hoãn từ năm 2019 do bất ổn chính trị và Covid- 19.
Hai sự kiện quốc tế thường niên nói trên đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng, sau gần 3 năm đóng cửa thực hiện các biện pháp phòng dịch bắt buộc, hạn chế các hoạt động kinh doanh và tụ tập đông người, Hồng Kông cuối cùng đã mở cửa trở lại.
Trong phần lớn thời gian đại dịch Covid-19, Hồng Kông duy trì một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất khu vực, bao gồm cả những đợt cách ly bắt buộc kéo dài đối với khách quốc tế.
Khi tình hình kinh tế đi xuống và lo ngại bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa và phục hồi mạnh mẽ, chính quyền Hồng Kông cuối cùng đã chính thức mở cửa biên giới trở lại vào tháng 9 vừa qua và chính thức chấm dứt việc cách ly phòng dịch.
"Chúng tôi đã, đang và sẽ vẫn là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới", Đặc khu trưởng John Lee tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính diễn ra trong tuần trước, với sự tham dự của hơn 200 nhà đầu tư từ 20 quốc gia.
Phát biểu vào ngày 4/11 trước khi khai mạc sự kiện thể thao Hồng Kông Sevens, Giám đốc điều hành Liên đoàn bóng bầu dục Hồng Kông, ông Robbie McRobbie, ca ngợi sự trở lại của Hong Kong Sevens như một "chất xúc tác đầu nguồn", một biểu tượng cho thấy "Hồng Kông vẫn là một khu vực sôi động, kiên cường".
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nỗ lực hồi phục của Hồng Kông, dù được chào đón, nhưng sẽ đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước. Họ cho rằng, những năm bị "cô lập" vừa qua cùng với bất ổn chính trị, đã khiến người Hồng Kông phải gánh chịu hậu quả.
Năm ngoái, nhiều nơi trên thế giới mở cửa trở lại cho khách du lịch và nới lỏng các biện pháp phòng dịch, thì Hồng Kông dường như bị mắc kẹt. Các nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục tại Hồng Kông thường xuyên bị buộc phải đóng cửa hoặc giới hạn giờ hoạt động. Các tòa chung cư chịu sự phong tỏa trong nhiều ngày và người dân được yêu cầu tụ tập không quá hai người tại nơi công cộng. Do đó, hầu hết người dân Hồng Kông đã không rời Đặc khu này trong vài năm trở lại đây, do họ không thể hoặc không muốn dành tiền cá nhân để chi trả chi phí cách ly 3 tuần trong khách sạn.
Các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua. Điển hình, sự kiện thể thao Hồng Kông Sevens thường đóng góp tới 95% doanh thu của Liên đoàn bóng bầu dục Hồng Kông, nhưng Giám đốc điều hành Liên đoàn cho hay: "Chúng tôi đã có 3 năm rảnh rỗi và thực hiện cắt giảm".
Nhiều người dân vỡ mộng đã chọn cách rời Hồng Kông. Năm ngoái, đặc khu này đã ghi nhận sự sụt giảm dân số mạnh nhất kể từ năm 1961. Các công ty hoạt động tại Hồng Kông cũng bắt đầu cân nhắc phương án chuyển đến địa điểm khác, đáng chú ý nhất là Singapore - đối thủ cạnh tranh lâu năm của Hồng Kông ở khu vực.
Giới chức Hồng Kông muốn mở lại biên giới với Trung Quốc đại lục, tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa phát tín hiệu nới lỏng chính sách zero-Covid nghiêm ngặt được áp dụng trong thời gian dài vừa qua, vì lo ngại số ca nhiễm sẽ tăng đột biến và phải tiến hành phong tỏa.
Đến thời điểm tuần trước, giới tài chính quốc tế đang làm việc tại Hồng Kông đã thở phào nhẹ nhõm khi biết tin đặc khu này mở cửa trở lại.
Ông Sebastian Paredes, Giám đốc điều hành chi nhánh Ngân hàng DBS (Singapore) tại Hồng Kông cho biết: "Chúng tôi đã đóng cửa quá lâu".
"Chúng tôi đang bắt đầu mở cửa trở lại sau khi nhiều nơi trên thế giới có động thái tương tự. Và đây là một minh chứng hữu hình cho thấy Hồng Kông đã trở lại", đại diện Ngân hàng DBS bày tỏ.
Trong khi đó, bà Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho rằng, hai sự kiện lớn được tổ chức trong tuần qua là "một dấu hiệu rõ nét cho thấy Hồng Kông đang gỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19 để bước vào một thế giới mới".
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế dịch Covid-19 vẫn gây ra bất lợi đối với các hoạt động kinh tế - xã hội tại Hồng Kông. Đơn cử, du khách quốc tế phải làm xét nghiệm Covid-19 trong 7 ngày liên tiếp sau khi đến Hong Kong và bị cấm đến nhà hàng, quán bar và phòng tập thể dục trong 3 ngày đầu. Chưa dừng lại ở yêu cầu xét nghiệm, các quán bar và câu lạc bộ không phục vụ đồ ăn còn yêu cầu kết quả xét nghiệm nhanh âm tính Covid-19 ngay cả với các khách quen.
Đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời cũng là yêu cầu bắt buộc, mặc dù các bức ảnh chụp tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính trong tuần trước cho thấy nhiều người tham dự không đeo khẩu trang.
"Những quy định trên vẫn là cản trở chính đối với thị trường khách du lịch quốc tế", ông McRobbie, Giám đốc điều hành Liên đoàn bóng bầu dục Hồng Kông, cho biết. Trước đại dịch, khoảng một nửa số người hâm mộ đến dự Hồng Kông Sevens là từ nước ngoài, nhưng năm nay, con số đó là "không đáng kể".
Khoảng thời gian dài bị "cô lập" và khó khăn tài chính đang đặt ra những thách thức cho các công ty đang hy vọng vào sự trở lại của Hồng Kông. Theo ông McRobbie, trong vài năm qua nhiều nhân sự đã rời bỏ ngành thể thao và sự kiện để tìm kiếm những công việc ổn định hơn; do đó, ngành này đang thiếu hụt nhân sự.
Nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám, chính quyền Hong Kong đang chi 30 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 3,8 tỷ USD) để thu hút các doanh nghiệp toàn cầu và nhân tài mới. Động thái này sẽ "thu hút rất nhiều lao động từ thị trường đại lục", theo nhận định của bà Vera Yuen, giảng viên kinh tế tại Đại học Hồng Kông.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, lợi thế ưu việt của Hồng Kông sẽ giúp đặc khu này sớm phục hồi bởi châu Á không có nhiều trung tâm tài chính có môi trường pháp lý cởi mở, mức thuế đánh vào lương thấp và hạ tầng tài chính hiện có như Hồng Kông.
"Do đó, ngay cả khi hình ảnh (của Hồng Kông - BTV) bị phai mờ đôi chút, không có nhiều nơi khác để thay thế", bà Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Natixis nhận xét.