Chuỗi cửa hàng Guardian đang dần chứng minh là “át chủ bài” của Tập đoàn bán lẻ Dairy Farm (Hong Kong) tại Việt Nam.
Sứ mệnh “thế chân” cho chuỗi Wellcome
6 năm trước, sự xuất hiện của chuỗi cửa hàng bán lẻ chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp Guardian tại Việt Nam thông qua đại diện thương mại là Công ty Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu được cho là át chủ bài sẽ thế chân cho sự thất bại trong việc phát triển chuỗi cửa hàng Wellcome trước đó của Dairy Farm. Năm 2012, thương hiệu Wellcome đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam bằng việc hoàn trả mặt bằng và hoạt động kinh doanh của chuỗi 3 siêu thị tại quận 1 (TP.HCM) Kiên Giang và Cần Thơ cho Công ty Đông Hưng, chủ sở hữu Citimart.
Ông Pawin Sriusvagool, CEO Guardian Việt Nam trong chuyến làm việc tại Hà Nội, tháng 4/2017. Ảnh: Hữu Tuấn |
Động thái của Dairy Farm thời điểm đó cho thấy, công ty mẹ không định rút khỏi Việt Nam. Đặc biệt, cùng thời gian đó, bên cạnh Wellcome, Dairy Farm còn chi 25 triệu USD để liên doanh với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh siêu thị Á Châu để kinh doanh siêu thị Giant tại Việt Nam. Cùng với đó là tuyên bố sẽ mở rộng chuỗi Giant tại đây với quy mô như ở Malaysia lúc đó là 77 siêu thị.
Đó là lý do vì sao, Giant được giới kinh doanh bán lẻ trong nước đánh giá là đối thủ nặng ký của các thương hiệu Big C, Metro và Co.opmart. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, Giant chỉ có duy nhất một địa điểm tại Crescent Mall (Quận 7, TP.HCM).
So với các nhà bán lẻ ngoại khác, Dairy Farm bị đánh giá là phát triển chuỗi kinh doanh hơi chậm, nhưng công ty này cũng không ngừng tìm cơ hội để mở thêm nhiều siêu thị nữa. Năm ngoái, với tiềm lực tài chính vững mạnh, Dairy Farm cũng ghi tên mình vào danh sách chạy đua thâu tóm chuỗi bán lẻ Big C Việt Nam. Song, cuối cùng cũng không vượt qua được đại gia bán lẻ “sừng sỏ” Central Group của Thái Lan.
Trở thành át chủ bài
So với các thương hiệu dưới sự quản lý của Dairy Farm là Giant, GNC, 7-Eleven, IKEA, thì Guardian đang chứng tỏ là con át chủ bài của tập đoàn bán lẻ này tại Việt Nam.
“Trước khi đi ngủ, người Hàn Quốc có khoảng 15 bước làm đẹp, nhưng người Việt Nam chỉ có 7. Đó là cơ hội của chúng tôi. Với dân số khoảng 93,4 triệu người vào năm 2016, Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho bất kỳ nhà bán lẻ nào. Chúng tôi đang liên tục mở rộng mạng lưới tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội”, ông Pawin Sriusvagool, CEO Guardian Việt Nam cho biết.
Đầu tháng 4 vừa rồi, ông Pawin Sriusvagool đã đến Việt Nam, chuẩn bị cho việc khai trương cửa hàng Guardian thứ 49 tại Hà Nội. Nhân dịp này, ông đã trực tiếp đi khảo sát trên những tuyến phố trọng điểm, đông đúc của Hà Nội. Nhanh chóng sau đó, ông đã nhìn thấy cơ hội bành trướng của Guardian tại Hà Nội trong năm nay.
Đối với ông Pawin Sriusvagool, Việt Nam là một thị trường rất cạnh tranh. Tất nhiên, Guardian hiện có rất nhiều đối thủ trong ngành và thị trường vẫn đang bị chiếm lĩnh phần lớn bởi những nhà bán lẻ trong nước.
Tuy nhiên, ông Pawin Sriusvagool nói, Guardian với “cách chơi” riêng trên thị trường, thì tiềm năng rất lớn. Thậm chí, Guardian đang đặt mục tiêu sẽ tăng số cửa hàng từ 49 hiện tại lên 65 ngay trong năm nay. Thạm vọng này đang trên đà thực hiện với những bước đi được tính toán.
Sau khi đã tạm thời phủ sóng vững chắc tại khu vực phía nam, với 39 cửa hàng ở TP.HCM, 2 cửa hàng ở Biên Hòa, 2 cửa hàng tại Vũng Tàu, Guardian sẽ đẩy mạnh ở thị trường phía Bắc mà Hà Nội là địa bàn chiến lược.
Theo ông Pawin Sriusvagool, sự thành công tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam trong những năm vừa qua, cùng với kinh nghiệm và tiêu chuẩn quốc tế đã giúp Guardian có được những kiến thức và chuyên môn cần thiết để tiếp tục mở rộng tại Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội là một thị trường khá thú vị bởi tính phức tạp của thị trường và sự tinh vi trong hành vi người tiêu dùng. Đó chính là lý do vì sao Guardian cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sở thích của khách hàng nơi đây.
Mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ sức khỏe và sắc đẹp không còn là một khái niệm quá mới mẻ, nhưng cũng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. So với sự lớn mạnh và thành công của mô hình này trên thế giới, thì thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều triển vọng để phát triển.
Các hệ thống cửa hàng sức khỏe và sắc đẹp rất phổ biến và đa dạng trên toàn cầu. Tại châu Á, Manning và Guardian của Dairy Farm đang được nhắc đến nhiều nhất. Trong khi Manning là thương hiệu dành riêng cho các thị trường nói tiếng Hoa, thì Guardian là mô hình đa quốc gia dành cho các nước châu Á khác. Các cửa hàng Guardian xây dựng theo mô hình chuẩn cho toàn hệ thống. Song, riêng tại Việt Nam, Guardian khoác lên mình “chiếc áo cam”, năng động và trẻ trung hơn.
Giới phân tích cho rằng, các khách hàng, đặc biệt là những người trẻ, ngày càng trở nên quen thuộc và thân thiết với hình thức bán lẻ này hơn. Điều quan trọng nhất không chỉ là được mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cần thiết một cách tiện lợi hơn mà còn là nhận được sự hướng dẫn và tư vấn kỹ càng khi mua sắm và Guardian đã làm được điều đó.
“Chúng tôi có đội ngũ tư vấn bán hàng có thể cung cấp những kiến thức về sản phẩm cũng như kiến thức về làm đẹp. Tôi tự tin đây là thế mạnh mà không phải bất kỳ nhà bán lẻ nào khác cũng có được”, ông Pawin Sriusvagool khẳng định.
Nói Guardian không cạnh tranh với các nhà bán lẻ Việt Nam, điều này có thể đúng. Bởi đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Guardian trong thời gian tới lại là hãng bán lẻ AS Watsons đến từ Hong Kong. AS Watsons thuộc Tập đoàn Hutchison dưới sự dẫn dắt của Phó chủ tịch Vitor Li Tzar Luoi, con trai của tỷ phú Lý Gia Thành.
Giới phân tích, động thái dồn dập mở rộng chuỗi cửa hàng tại Việt Nam của Guardian nhằm tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể trước khi Watsons xuất hiện. Watsons đang là một trong những chuỗi bán lẻ mỹ phẩm & dược phẩm lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới. Những thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng của Watson trong vài năm tới là: Singapore, Philippine, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Watsons là chuỗi Guardian hiện đang có 32 cửa hàng tại Việt Nam. Guardian cũng đang đẩy mạnh hoạt động mở rộng để tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể trước khi Watsons xuất hiện.
M&A đa dạng hoá mô hình kinh doanh
Dairy Farm là thành viên của Tập đoàn Jardine Matheson.
Lịch sử của Dairy Farm bắt đầu từ thế kỷ 19 tại Hồng Kong. Khi mới ra đời lĩnh vực kinh doanh chính của Dairy Farm là các sản phẩm liên quan tới sữa. Cùng với thời gian, Dairy Farm đã mở rộng và trở thành một trong những tập đoàn năng động nhất châu Á. Thành công của Dairy Farm có được là vì tập đoàn này đã biết đa dạng hoá các mô hình kinh doanh, bao gồm: siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng chuyên doanh các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, cửa hàng tiện ích và nội thất, các tiệm ăn cao cấp.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, Tập đoàn mẹ Jardine Matheson còn nổi danh trong giới đầu tư nhờ mô hình “sở hữu tài sản”. Jardine Matheson cùng các công ty con đã vươn cánh tay vào nhiều lĩnh vực như ngân hàng, ô tô, siêu thị, như: Ôtô Trường Hải (28%), liên doanh Hongkong Land - Đoàn Kết (71%), siêu thị Giant nằm trong trung tâm thương mại Crescent Mall tại Phú Mỹ Hưng (49%), Pizza Hut Việt Nam (100%), KFC Việt Nam (25%)…
Để vươn được cánh tay dài như vậy, Jardine Matheson đã huy động được số vốn góp khổng lồ từ nhiều nhà đầu tư, thông qua hình thức M&A để đầu tư vào các công ty hoặc tài sản khác nhau và tổ chức theo các hình thức công ty con, công ty liên doanh hoặc liên kết.
Khác với các quỹ đầu tư, Tập đoàn này M&A không nhằm mục đích mua đi, bán lại các công ty, tài sản để tạo nguồn thu trong ngắn hạn mà chủ yếu nhằm biến chúng thành các vệ tinh, làm tăng quy mô và hiệu quả kinh doanh của tập đoàn.
Với thế dàn trận của Dairy Farm dành cho chuỗi cửa hàng Guardian, có thể thấy cả Dairy Farm và tập đoàn mẹ Jardine Matheson còn có nhiều kế hoạch hơn nữa tại thị trường Việt Nam.