Thời sự
Trước phiên phúc thẩm vụ Vinasun kiện Grab: 5 lý do để xem xét hủy bản án sơ thẩm
Tô Minh Long - 09/03/2020 10:45
Tại phiên toà sơ thẩm, toà đã tuyên bản án sơ thẩm, trong đó cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun và tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun chi phí do xe của Vinasun nằm bãi số tiền 4,8 tỷ đồng.
.

Nhưng trước đó, ngay tại phiên xử, đại diện của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP.HCM cho rằng, Grab không có hành vi trái pháp luật, không thể buộc Grab chịu trách nhiệm kinh doanh thua lỗ của Vinasun. Các lý do đưa ra khá rõ ràng, như sau:

Điểm đầu tiên là, yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun không có căn cứ. Viện VKSND cấp cao  tại TP.HCM  cho rằng bản án sơ thẩm căn cứ vào chứng thư giám định của Công ty Giám định Cửu Long để cho rằng Vinasun bị thiệt hại do Grab gây ra là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý.

"Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng..., nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật", kháng nghị nêu.

Điểm thứ hai, càng không có liên hệ rõ về mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của Vinasun với hành vi của Grab. Vinasun cho rằng Grab đã làm trái luật và yếu tố có lỗi của Grab, nhưng theo VKSND cấp cao tại TP.HCM, hoạt động kinh doanh của Grab là hợp pháp, doanh thu và lợi nhuận của Vinasun nếu có bị sụt giảm là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra. Bản án sơ thẩm cho rằng Grab có hành vi vi phạm pháp luật và là lý do làm cho các xe taxi của Vinasun nằm bãi và không hoạt động gây thiệt hại cho Vinasun 4,8 tỉ đồng mà không xem xét đến các yếu tố khác là không có căn cứ pháp luật.

Bởi hoạt động của Grab và Vinasun chính là vận chuyển hành khách, đối tượng phục vụ là hành khách. Vì vậy yếu tố đóng vai trò quyết định đến doanh thu và lợi nhuận của cả Grab và Vinasun là chất lượng dịch vụ và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Doanh thu sụt giảm của Vinasun (nếu có) có phần là do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì sự ưu thế của nó so với Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác.

Thứ ba, có đến 9 đơn vị cùng thí điểm bình đẳng, tại sao chỉ kiện Grab? Tính đến thời điểm tháng 5/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép 9 đơn vị tham gia Quyết định 24, trong đó có cả Uber, Grab, Vinasun, Mai Linh... nên nếu có sai phạm nào như cáo buộc thì là có liên quan đến toàn bộ các đơn vị tham gia Đề án 24, không chỉ của một mình Grab. Vì vậy, không thể buộc Grab bồi thường thiệt hại cho Vinasun.

Thứ tư, trong trường hợp nếu xác định Grab nếu có sai thì chỉ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý, không phải trước Vinasun. Cơ quan quản lý có Quyết định số 24 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, mà đơn vị thí điểm quyết định này áp dụng bao gồm Grab và các doanh nghiệp, HTX vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm. Do đó, nếu có vấn đề gì xảy ra thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải với Vinasun. Đồng thời, do Grab không có lỗi nên không có cơ sở để buộc Grab phải chịu trách nhiệm trước Vinasun trước đề án thí điểm.

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, VKSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng, bản án sơ thẩm nhận định Grab có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun và tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun chi phí do xe của Vinasun nằm bãi số tiền 4,8 tỷ đồng là không có căn cứ pháp luật và nên hủy vụ kiện này.

Sau cùng, điểm thứ năm đáng chú ý là hầu hết các căn cứ khởi kiện của Vinasun hiện đều đã lỗi thời: Với sự cởi mở của Nghị định 10/2020 mới ban hành, hầu hết các căn cứ khởi kiện của Vinasun với Grab đã không còn hiệu lực, tất cả đã được công nhận và quy về một sân chơi duy nhất tiến bộ hơn.

Vì thế, nếu phiên phúc thẩm lại đem các căn cứ cũ ra để phán xét vào thời điểm này là không còn hợp thời. Sơ khởi thì có nguyên tắc chung là “luật bất hồi tố” nhưng luật Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có tinh thần nhân văn, nên có thể xem xét lại vụ kiện trên tinh thần này để mở đường cho môi trường kinh doanh mới tiến bộ hơn. Và như vậy, việc bác bỏ vụ kiện, khép lại một chương cũ không còn hợp thời để mở ra một chương mới cởi mở, tiến bộ hơn là điều cần nhất để chứng minh tính ưu việt đó, cũng là điều tất cả các công ty Việt Nam và liên doanh, nước ngoài đang mong đợi ở phiên phúc thẩm này.

Tin liên quan
Tin khác